Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tháng 7/2020, xuất khẩu cao su của Việt Nam ước đạt 180 nghìn tấn, trị giá 217 triệu USD, tăng 32% về lượng và tăng 33,6% về trị giá so với tháng 6/2020, tăng 7,9% về lượng, nhưng giảm 6,9% về trị giá so với tháng 7/2019. Giá xuất khẩu bình quân giảm 13,7% so với cùng kỳ năm 2019, xuống còn 1.206 USD/tấn.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cao su ước đạt 661,9 nghìn tấn, trị giá 855,4 triệu USD, giảm 15,1% về lượng và giảm 20,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019; giá xuất khẩu bình quân giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2019, ở mức 1.292 USD/tấn.
Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 6/2020, xuất khẩu cao su hỗn hợp (hỗn hợp của cao su tự nhiên và cao su tổng hợp - mã HS 400280) và mủ Latex tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2019, trong khi xuất khẩu nhiều chủng loại cao su khác vẫn giảm.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hầu hết các chủng loại cao su đều giảm so với cùng kỳ năm 2019, trừ xuất khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp. Trong 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cao su hỗn hợp (hỗn hợp của cao su tự nhiên và cao su tổng hợp - mã HS 400280) chiếm 61,1% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, đạt 296,21 nghìn tấn, trị giá 386,31 triệu USD, tăng 3,5% về lượng, nhưng giảm 0,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, 97,8% lượng cao su hỗn hợp (mã HS 400280) được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, giá xuất khẩu bình quân hầu hết các chủng loại cao su giảm so với cùng kỳ năm 2019, trong khi giá xuất khẩu cao su SVR 3L, RSS3, SVR CV60, SVR CV50, cao su tái sinh, cao su hỗn hợp, SVR CV40 tăng.
Trong tháng 7/2020, giá cao su trên thị trường châu Á tăng nhờ thông tin tích cực từ quá trình thử nghiệm vacxin ngừa virus corona và kỳ vọng vào gói kích thích kinh tế của EU. Tuy nhiên đà tăng vẫn bị hạn chế bởi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang và làn sóng Covid-19 bùng phát trở lại tại một số quốc gia.