Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong 10 ngày giữa tháng 11/2019, giá mủ cao su nguyên liệu tại Đắk Lắk tăng theo xu hướng của thị trường thế giới. Cụ thể, ngày 19/11/2019, tại Đắk Lắk giá thu mua mủ nước tại vườn và tại nhà máy tăng 6 Đ/độ TSC so với ngày 11/11/2019 và tăng 7 Đ/độ TSC so với cuối tháng 10/2019, hiện giao dịch lần lượt ở mức 263 Đ/độ TSC và 268 Đ/độ TSC.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 10/2019 đạt 192,02 nghìn tấn, trị giá 249,32 triệu USD, tăng 5,3% về lượng và tăng 5,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Lũy kế 10 tháng năm 2019, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 1,3 triệu tấn, trị giá 1,76 tỷ USD, tăng 7,6% về lượng và tăng 6,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Giá xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 10/2019 đạt bình quân 1.298 USD/tấn, giảm 0,9% so với tháng 9/2019, nhưng tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong tháng 10/2019, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc đạt 138,28 nghìn tấn, trị giá 177,2 triệu USD, tăng 6,1% về lượng và tăng 5,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 72% tổng lượng cao su xuất khẩu trong tháng. Lũy kế 10 tháng năm 2019, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc đạt 864,69 nghìn tấn, trị giá 1,15 tỷ USD, tăng 9,1% về lượng và tăng 7,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Giá xuất khẩu cao su sang Trung Quốc trong 10 tháng năm 2019 đạt bình quân 1.353 USD/tấn, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Nhìn chung, trong 10 tháng năm 2019, xuất khẩu cao su sang hầu hết các thị trường lớn đều tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2018 như: Ấn Độ tăng 34,7%; Hàn Quốc tăng 28,7%; Brasil tăng 25,5%; Bangladesh tăng 40,6%; Pakistan tăng 25,6%... Trong khi, một số thị trường lớn lại giảm nhập khẩu cao su của Việt Nam như: Malaysia giảm 38,2%; Đức giảm 26,9%; Tây Ban Nha giảm 13%; Sri Lanka giảm 39,6%...