Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 4/2021 cả nước xuất khẩu 62.013 tấn cao su, thu về 110,2 triệu USD, giảm 44% cả về khối lượng và kim ngạch so với tháng 3/2021. Tuy nhiên, so với cùng tháng năm 2020 thì tăng mạnh 46,9% về lượng, tăng 105,4% về kim ngạch. Theo đó, tính chung 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cao su tăng mạnh 73,2% về khối lượng so với cùng kỳ năm trước, đạt 468.202 tấn, kim ngạch còn tăng mạnh hơn, thêm 103,4% đạt 784,4 triệu USD.
Giá cao su xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm nay cũng tăng 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.675,4 USD/tấn.
Trên thị trường trong nước, giá cao su từ Tết Nguyên đán đến nay không có biến động lớn. Ở thời điểm hiện tại, giá mủ cao su thiên nhiên dạng nước tại Đồng Nai tháng 4/2021 tăng nhẹ, từ mức 9.500 đồng/kg lên 10.500 đồng/kg; ở Đông Nam Bộ được các thương lái thu mua giao động quanh mức 315 - 325 đồng/độ mủ.
Trong 4 tháng đầu năm nay, Trung Quốc tiếp tục giữ vị trí thị trường nhập khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam với gần 70% tổng xuất khẩu cao su của nước ta. Cụ thể, Trung Quốc đã nhập khẩu 323.597 tấn, tương đương 518,83 triệu USD, tăng lần lượt 89,6% và 119% so với cùng kỳ năm trước; giá xuất khẩu sang thị trường nay cũng tăng 15.7%, đạt 1.603 USD/tấn.
Vị trí thị trường lớn thứ 2 của mặt hàng cao su Việt Nam là Ấn Độ, với 24.392 tấn trong 4 tháng đầu năm nay, tương đương 44,45 triệu USD, tăng 58,2% về lượng và tăng 90% về kim ngạch. Tiếp đến là Hàn Quốc với 12.641 tấn, tương đương 24,21 triệu USD, tăng 29,7% về lượng và tăng 56,9% kim ngạch; Mỹ đạt 12.427 tấn, tương đương 21,94 triệu USD, tăng 60,5% về lượng và tăng 94% kim ngạch.
Số liệu về khối lượng và kim ngạch của Tổng cục Hải quan
Trong thời gian tới, xuất khẩu cao su dự báo sẽ vẫn thuận lợi khi các nền kinh tế dần mở cửa trở lại, giá cao su xuất khẩu dự báo sẽ vẫn tăng tiếp.
Trang thehindubusinessline dẫn báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) cho biết, giá cao su thiên nhiên trên toàn cầu trong ngắn hạn sẽ tăng nhẹ khi nhu cầu cao su tăng lên, giá mỏ dầu tăng, nguồn cung hạn hẹp và USD mạnh lên so với các đồng tiền khác.
ANRPC cho rằng chiến dịch tiêm chủng tích cực ở các nền kinh tế phát triển sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy nhu cầu cao su toàn cầu, nhất là ở những thị trường như Trung Quốc, Mỹ và Châu Âu.
Nguồn cung cao su toàn cầu dự kiến cũng sẽ cải thiện bắt đầu từ tuần cuối của tháng 5. ANRPC dự báo sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu trong tháng 6/2021 sẽ tăng 15,8% so với tháng 5. Tuy nhiên, đà tăng bị hạn chế bởi số ca nhiễm Covi-19 mới ở Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, Campuchia và Sri Lanka tăng mạnh.
Chuỗi cung ứng hàng hóa nói chung và cao su nói riêng tiếp tục bị gián đoạn ở nhiều thời điểm do tình trạng thiếu container, dẫn đến việc giao hàng bị chậm, nguồn cung không đảm bảo, có thể buộc một số công ty ở một số nước sản xuất cao su phải thay đổi chiến lược kinh doanh, hoặc xin giãn thời hạn giao hàng, hoặc phải tìm kiếm nguồn cung ứng cao su trong nước có nguồn cung ổn định, mặc dù giá cao hơn cao su nhập khẩu.
Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 thứ 2 bùng phát ở Ấn Độ, cùng với tiến độ tiêm chủng chậm chạp ở nước này cũng như nhiều nước Châu Á khác có thể hạn chế sự tăng trưởng nhu cầu cũng như sự phục hồi của giá cao su. ANRPC rằng dự đoán nguồn cung tăng bắt đầu từ tháng 6 cũng có thể làm hạn chế giá cao su tăng mạnh.