Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, cho biết theo thông lệ, đầu năm Vinamit đã xuất hàng nông sản tươi sang Trung Quốc cho các siêu thị, cửa hàng kịp có hàng mới bán khai trương từ mùng 8, mùng 9 Tết nhưng năm nay, tất cả đơn hàng đi Trung Quốc đều phải tạm ngưng, chưa biết bao giờ mới tái khởi động bởi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona (nCoV).
Tác động "vừa phải"
Bản thân Vinamit và các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu khác chưa đo lường được hết thiệt hại nhưng chỉ cần nhìn vào các chỉ số trên thị trường chứng khoán Việt Nam mất hơn 10%, tương đương với mất mấy trăm ngàn tỉ đồng cũng có thể hình dung được DN đã bị ảnh hưởng đến mức nào.
Những ngày qua, khi Trung Quốc ngừng mua hàng thì tại Việt Nam, tiêu thụ một số loại trái cây, thủy sản cũng ngưng trệ, DN "án binh bất động" để thăm dò thị trường. Giải pháp tăng xuất khẩu sang những thị trường khác cũng không mấy khả thi bởi các thị trường đều có liên đới với nhau, đang trong diễn biến suy giảm chung. Trong khi đó, trái cây tới lứa chín phải thu hoạch, không xuất khẩu được thì nguy cơ phải bán đổ bán tháo ra thị trường. "Chúng tôi đang tăng thu mua để chế biến và chia sẻ khó khăn với bà con nông dân cũng như các đối tác cung ứng. Mặc dù vậy, ngay cả việc chế biến cũng cần cân nhắc trong khả năng bởi không thể sản xuất, tồn kho quá nhiều" - Chủ tịch HĐQT Vinamit thông tin.
Tuy nhiên, ông Viên cho rằng khả năng những ngày tới Trung Quốc sẽ mở cửa nhập hàng theo đường chính ngạch bởi nếu không nhập, họ sẽ không đủ thực phẩm. Dù vậy, có thể họ sẽ ưu tiên nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm thiết yếu hơn là các loại hàng hóa khác.
Xuất khẩu thủy sản là một trong những ngành bị tác động bởi dịch nCoV Ảnh: NGỌC TRINH
Ông Phạm Hải Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Nông sản Xuất khẩu Sài Gòn (Agrex Sài Gòn), cũng nhìn nhận tình hình dịch nCoV chắc chắn sẽ gây ra tác động tới các ngành hàng sản xuất chế biến và xuất khẩu nông sản, thủy sản… có thị trường lớn là Trung Quốc. Đơn hàng đối với những đối tác của Agrex Sài Gòn ở các thị trường có dịch sẽ bị ảnh hưởng. DN phải xem phản ứng của thị trường mới tìm giải pháp ứng phó thích hợp. "Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu qua Trung Quốc đã bị chững lại do nCoV. Việc nhập nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của DN trong nước cũng sẽ bị ảnh hưởng. Chỉ những DN xuất khẩu ít lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc mới đỡ bị tác động. Song, tình hình chung là khó khăn" - ông Phạm Hải Long nhận xét.
Tuy nhiên, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tác động của dịch bệnh đến xuất khẩu trong những tháng đầu năm có thể ở mức "vừa phải", chưa quá trầm trọng. "Thông thường, sớm nhất cũng phải sau tháng 3, tháng 4 hằng năm, các đơn hàng nhập thủy sản của Trung Quốc mới rộ lên. Do đó, tác động ngắn hạn trong những tháng đầu năm là chưa quá lớn" - ông Hòe nhìn nhận.
Tuy nhiên, Trung Quốc là 1 trong 4 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam với tỉ trọng chiếm 16%-17% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành này. Do đó, hiệp hội vẫn tiếp tục theo dõi diễn biến từ thị trường lớn này để có những nhận định sát hơn cũng như tìm giải pháp ứng phó kịp thời.
Tôn thép, đồ gỗ nhộn nhịp
Với những ngành như thép, đồ gỗ... tình hình vẫn rất khả quan. Đại diện Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cho biết DN này đã ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm thép xây dựng đi Canada từ trước Tết. Dự kiến, vài ngày nữa 19.000 tấn thép xây dựng Hòa Phát sẽ xuất cảng. Trong khi đó, sản phẩm tôn và ống thép cũng mở hàng đầu năm với nhiều đơn hàng xuất khẩu có giá trị không nhỏ tới nhiều thị trường. "Với sản phẩm tôn, chúng tôi bốc hàng xuất đi Đài Loan (Trung Quốc) và Ấn Độ ngay sau Tết. Còn với sản phẩm ống thép, tập đoàn cũng đã ký đơn hàng xuất khẩu 2.000 tấn trị giá 1,5 triệu USD đi các thị trường Mỹ, Úc, Canada, Ấn Độ trong tháng 1 vừa qua" - đại diện tập đoàn thông tin.
Tương tự, từ cuối năm 2019, các DN gỗ đã nhận được các đơn hàng xuất khẩu cho đầu năm 2020. Trong đó, đơn hàng ở thị trường Mỹ có xu hướng tăng đột biến. Bên cạnh đó, đơn hàng ở thị trường châu Âu vẫn duy trì ổn định như mọi năm. Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, nhiều DN đã phải tập trung nguồn lực từ những ngày trước Tết nguyên đán để kịp xuất khẩu vào đầu năm. Ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Công ty Nội ngoại thất Products, cho biết ngoài tăng ca trong tuần, DN còn phải bố trí công nhân làm thêm thứ bảy, chủ nhật cũng như huy động lao động thời vụ để kịp tiến độ đơn hàng. Đại diện Công ty Sài Gòn Decor chia sẻ đầu năm 2020, DN có 1 container hàng xuất khẩu đi Nga và 1 container đi Nhật Bản nên những ngày trước Tết âm lịch, DN rất bận rộn chuẩn bị nguồn hàng để tránh tình trạng "hụt hơi" đầu năm.
Theo đại diện Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), sở dĩ các DN ngành gỗ nhận được nhiều đơn hàng là do trong những năm gần đây, họ đã tuân thủ quy định về chất lượng sản phẩm, an toàn sức khỏe, truy xuất nguồn gốc, đa dạng sản phẩm... của các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ…. "Những năm gần đây, Việt Nam có thế mạnh làm các mẫu mã đồ gỗ với đa dạng vật liệu. Đây là điểm vượt trội so với các nước khác trong khu vực như Malaysia, Indonesia… Vì có khả năng đa dạng về vật liệu, đa dạng về phân khúc nên các đơn hàng ngày càng nhiều" - ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư ký HAWA, nhận xét.