Trong thỏa thuận được công bố hôm 13/12 sau một thời gian dài đàm phán, Mỹ sẽ giảm thuế đối với một phần hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong khi Bắc Kinh cam kết gia tăng mua hàng hóa Mỹ, trong đó chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp và năng lượng. Trong 2 năm tới, lượng hàng hóa Trung Quốc cam kết mua của Mỹ sẽ rơi vào khoảng 200 tỷ USD.
Trung Quốc cũng cam kết bảo vệ tốt hơn các tài sản sở hữu trí tuệ của Mỹ, hạn chế việc ép buộc các doanh nghiệp Mỹ phải chuyển giao công nghệ bắt buộc khi hoạt động ở Trung Quốc. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng sẽ mở thị trường dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp Mỹ đồng thời cam kết tránh việc thao túng tiền tệ.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết Trung Quốc dự kiến sẽ tăng mua hàng nông sản Mỹ vào khoảng 40 đến 50 tỷ USD trong 2 năm tới. Mỹ xuất khẩu khoảng 24 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp sang Trung Quốc vào năm 2017, năm cuối trước khi Mỹ đánh thuế hàng hóa Trung Quốc, dẫn tới hành động đáp trả của Bắc Kinh.
Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc đang trải qua các thủ tục để có thể được ký kết chính thức. Hiện tại, ông Robert Lighthizer cũng chưa thể xác định chính thức thời điểm Mỹ và Trung Quốc đặt bút ký vào thỏa thuận lịch sử này.
Với cuộc chiến thương mại khiến cả thế giới lao đao, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ với Trung Quốc bước đầu cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mang lợi ích về cho nước Mỹ. Nó góp phần khiến nhiều cử tri ủng hộ ông Trump tin rằng việc cứng rắn trong thương mại với Trung Quốc là đúng đắn dù chưa ai biết Trung Quốc sẽ ký thỏa thuận này vào khi nào và tuân thủ các điều khoản ở mức độ ra sao.
Ông Lighthizer cũng gọi ngày 13/12 là ngày trọng đại nhất trong lịch sử thương mại vì ngoài thỏa thuận với Trung Quốc, Nhà Trắng cũng đã trình Thỏa thuận thương mại giữa Mỹ - Mexico – Canada lên Quốc hội để cơ quan lập pháp nước Mỹ phê duyệt. Hai thỏa thuận thương mại này có giá trị vào khoảng 2.000 tỷ USD.
Tuy nhiên, USMCA, ra đời nhằm thay thế Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), đang gặp phải một số khó khăn khi trưởng đoàn đàm phán Mexico Jesus Seade phản đối quan điểm của Quốc hội nước này về thỏa thuận thương mại mới. Ông Seade phản đối việc cho phép các quan chức Lao động Mỹ kiểm tra các nhà máy của Mexico, một điều khoản được quy định trong USMCA. Cuối tuần vừa qua, ông Seade đã tới Mỹ để phản ánh với người đồng cấp Lighthizer.
Theo Reuters