Xuất khẩu của Singapore ngoài dầu mỏ đã giảm 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Một tháng trước đó, tỷ lệ sụt giảm là 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Con số này tồi tệ hơn nhiều so với ước tính mà Bloomberg đưa ra sau cuộc khảo sát với các chuyên gia kinh tế tình trạng của nền kinh tế này.
Vốn phụ thuộc nhiều vào thương mại, kinh tế Singapore đã suy thoái mạnh trong quý 2, dẫn tới việc các nhà phân tích hạ dự báo tăng trưởng trong năm nay. Thậm chí, các chuyên gia còn cảnh báo nguy cơ kinh tế Singapore rơi vào suy thoái.
Xuất khẩu của Singapore đã suy yếu kể từ năm ngoái sau khi sự bùng nổ công nghệ có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, mọi việc trở nên tồi tệ hơn trong năm 2019 khi bóng ma cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đè nặng lên nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, qua đó tác động tới nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu của Singapore.
Xuất khẩu trong lĩnh vực điện tử của Singapore đã giảm 31,9% vào tháng 6 so với một năm trước. Trong tháng 5, mức suy giảm là 31,9%. Sự sụt giảm các lô hàng đến Hong Kong (-38.2%), Nhạt Bản (-23.2%) và Hàn Quốc (-22.7%) được coi là nguyên nhân chính.
Dữ liệu mới nhất mà Enterprise Singapore đưa ra về nền kinh tế nước này làm ảm đạm thêm triển vọng của châu Á. Xuất khẩu của Trung Quốc cũng đã giảm 1,3% trong tháng 6 vừa qua so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, số liệu GDI của Singapore trong quý II cũng đã gây sốc với mức sụt giảm 3,4% so với quý trước đó. Được mô tả là bất ngờ, số liệu đáng quan ngại của kinh tế Singapore giống như tiếng chuông cảnh báo về tình trạng sức khỏe toàn cầu cũng như phản ánh tác động của chiến tranh thương mại đến kinh tế thế giới.
Trong một khảo sát mà Bloomberg công bố trước đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng GDP của Singapore sẽ tăng 0,5% so với quý 1. Tuy nhiên, mức sụt giảm 3,4% khiến khoảng cách giữa dự đoán và thực tế lên tới gần 4%. Nó cũng xóa đi toàn bộ sự tăng trưởng 3,8% mà nền kinh tế này đạt được trong quý 1.
Những dữ liệu tồi tệ với nền kinh tế Singapore cùng sự khó khăn của những nền kinh tế đầu tàu châu Á cho thấy nguy cơ một cuộc suy thoái đang đe dọa khu vực. Trong khi đó, châu Á hiện nay là động lực tăng trưởng của thế giới, đóng góp hơn 60% GDP toàn cầu nên những tác động với khu vực này có thể trở thành mối đe dọa với kinh tế toàn cầu.
Ở thời điểm hiện tại, Mỹ và Trung Quốc đã nối lại các cuộc đàm phán thương mại nhưng tương lai của nó hoàn toàn bất định, nhất là khi Mỹ và Trung Quốc vẫn đang vất vả tìm tiếng nói chung. Tình hình đang trở nên khó khăn hơn khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 16/7 tuyên bố đàm phán thương mại là một chặng đường dài và ông có thể áp thuế với 325 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc nếu muốn.