Theo báo cáo ngành dệt may của Công ty chứng khoán quốc tế (VIS), ngành dệt may Việt Nam phát triển mạnh từ 2002 đến nay với mức tăng trưởng trung bình mỗi năm đến 20%. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2008, xuất khẩu dệt may chựng lại 1 năm nhưng sau đó hồi phục và duy trì tăng trưởng trung bình 15% đến nay.
Dệt may là một trong những ngành xuất siêu kỷ lục của VN khi năm 2017 đạt thặng dư đến 15,5 tỷ USD. 8 tháng đầu năm 2018 kim ngạch xuất khẩu dệt may đã đạt 19,4 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 10,4% của cùng kỳ 2017.
4 thị trường lớn Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc chiếm đến 75% giá trị hàng xuất khẩu Việt Nam. Các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc đều có sự tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ bên cạnh thị trường mới Trung Quốc cũng gia tăng đến gần 50%.
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chính của dệt may chiếm đến gần 40% tổng kim ngạch. Năm nay trong 6 tháng đầu năm đã đạt 6.4 tỷ USD. VIS dự báo kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ năm 2018 tăng 12,3% đạt 13,8 tỷ USD.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất vào Mỹ với tỷ lệ khoảng 36.6%, nhưng giá trị đang giảm gần 10% từ đỉnh cao 44.6 tỷ USD 2015. Trong khi đó dệt may Việt Nam xếp thứ hai với khoảng 11.5% và đang có cơ hội tăng cao hơn từ mức 11.2 tỷ USD lên gần 13 tỷ năm 2017.
Theo VÍ, việc Mỹ khơi mào chiến tranh thương mại với Trung Quốc là cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam nhưng có một vấn đề khác là Trung Quốc có thể đẩy mạnh việc luân chuyển sản xuất sang các nước/ khu vực nhằm tận dụng lợi thế cạnh tranh về chi phí nhân công, thương mại và đi đường vòng vào Mỹ. Khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thể phải đối mặt với làn sóng đầu tư đến từ các doanh nghiệp Hongkong, Trung Quốc và Đài Loan.