Dự kiến, trong năm 2018, Hiệp định EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực. Theo ông, động thái này tác động tới XK gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường EU như thế nào?
Suốt thời gian qua, thương mại gỗ giữa Việt Nam-EU chiếm khoảng 12-15% tổng kim ngạch XK toàn quốc với giá trị XK trung bình mỗi năm khoảng 650-700 triệu USD. Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ tác động rất tích cực tới ngành gỗ Việt Nam.
Điều chắc chắn đầu tiên là thị trường XK được rộng mở. Từ trước tới nay, XK gỗ vào EU chủ yếu vào 5 nước Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Ý. Nhưng với Hiệp định EVFTA, thị trường được nâng lên khoảng 27-28 nước. Trên thực tế, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm gỗ của EU một năm khoảng 80-85 tỷ USD. Nhu cầu đó hiện đang lớn hơn rất nhiều so với kim ngạch XK gỗ của Việt Nam sang EU. Với các điều kiện hiện tại, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, XK gỗ và sản phẩm gỗ sang EU sẽ gia tăng đáng kể với mức dự báo đạt khoảng 1 tỷ USD vào năm 2020.
Ngoài mở rộng thị trường, gia tăng kim ngạch XK, EVFTA còn tạo thêm điều kiện thuận lợi gì cho DN ngành gỗ, thưa ông?
Trên thực tế, XK gỗ và sản phẩm gỗ sang EU từ trước tới nay vốn có nhiều lợi thế khi các DN đã khá quen thuộc với thị trường. Một số DN đã tiếp cận được công nghệ chế biến gỗ của EU và đưa vào triển khai. Điển hình là một số DN gỗ ở Bình Định như Công ty Tiến Đạt, Công ty Đại Thành, Công ty Thắng Lợi… Hiện nay, công nghệ chế biến gỗ của EU là công nghệ tiến bộ nhất khi tiết kiệm được năng lượng, tiết kiệm được nhiên liệu và trình độ quản trị kinh doanh rất tốt, làm tăng năng suất lên khoảng 15-20%. Việc tiếp cận này một phần là do DN tìm kiếm, học hỏi, một phần là do các DN NK hàng của Việt Nam chủ động đưa vào.
Hiện tại đã có những thuận lợi như vậy. Sắp tới, với Hiệp định EVFTA, ngoài vấn đề thuế suất các mặt hàng về 0%, các DN chế biến, XK gỗ Việt Nam còn có thể dễ dàng hơn trong quá trình mua máy móc, thiết bị, học hỏi công nghệ chế biến gỗ cũng như trình độ quản trị DN từ EU.
Xin ông cho biết, đến thời điểm hiện tại, các DN chế biến, XK gỗ đã tiếp cận, nắm bắt những thông tin về Hiệp định EVFTA ra sao?
DN ngành gỗ chia ra hai khu vực chính. Hàng trăm DN ở khu vực miền Nam từ Đà Nẵng trở vào hiện đã khá quen thuộc và nắm vững về Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, các DN gỗ ở miền Bắc tiếp cận rất ít và hầu như không nắm rõ về hiệp định này. Lý do là bởi, các DN chế biến, XK gỗ miền Bắc XK sang EU khá ít, chỉ khoảng 5-7 DN.
Trên thực tế, thời gian qua, Hiệp hội đã phối hợp với Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức 3-4 cuộc hội thảo nhằm phổ biến cho DN khu vực phía Bắc về Hiệp định EVFTA, song DN ít mặn mà, chỉ khoảng 30-50 DN tham dự. Từ nay tới hết năm, dự kiến Hiệp hội còn tiếp tục tổ chức 2 cuộc hội thảo nữa về vấn đề này. Nếu các DN không thay đổi tâm lý “nước đến chân mới nhảy”, chắc chắn DN sẽ phải chịu thiệt thòi.
Hiệp định EVFTA sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các DN chế biến, XK gỗ sang EU. Tuy nhiên, theo ông, DN cần lưu ý điều gì để tận dụng tốt nhất cơ hội này?
Thị trường EU khá “khó tính” với những chỉ số kỹ thuật hàng hóa khắt khe, hầu hết theo tiêu chuẩn Euro 3. Trong khi đó, hầu hết DN XK gỗ miền Bắc còn chưa biết tiêu chuẩn này là như thế nào. Để tận dụng tốt cơ hội thúc đẩy XK hàng hóa vào EU, DN cần không ngừng học hỏi, cập nhật thông tin, tự hoàn thiện mình thêm nữa. Dự báo, với mức độ hiện tại, có nhiều DN phải mất 5-7 năm nữa mới có thể thực sự hòa nhập, tận dụng tốt được cơ hội.
Xin cảm ơn ông!
Theo Hiệp định EVFTA, hai bên thống nhất lấy Biểu thuế XK, thuế NK ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế (MFN) áp dụng vào ngày 26/2/2012 làm mức thuế cơ sở để thực hiện cắt giảm theo lộ trình cam kết. Nhiều ngành hàng của Việt Nam sẽ được hưởng lợi ích khá thiết thực từ Hiệp định này.
Cụ thể như, đối với mặt hàng gạo, gạo Việt Nam XK vào thị trường EU sẽ thông qua cơ chế hạn ngạch thuế quan, trong đó, lượng NK trong hạn ngạch sẽ được hưởng mức thuế 0%. EU dành riêng cho Việt Nam tổng hạn ngạch 80.000 tấn và lượng hạn ngạch đối với từng loại gạo. Cụ thể: Khối lượng trên là khá so với lượng XK trung bình của Việt Nam sang EU trong 3 năm 2011 - 2013 là 28.000 tấn/năm. Ngoài ra, EU sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế NK đối với gạo tấm sau 5 năm và đối với các sản phẩm từ gạo sau 3 - 5 năm.
Đối với hàng dệt may, đây là một trong những mặt hàng XK chính của Việt Nam sang EU với kim ngạch XK tăng trưởng đáng kể, từ khoảng 1,5 tỷ USD năm 2007 lên gần 3,5 tỷ USD năm 2015. Trong nhóm hàng dệt may, 42,5% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở từ 8 - 12% và sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các sản phẩm dệt may còn lại cũng có mức thuế suất cơ sở tương tự như trên, sẽ được xóa bỏ toàn bộ thuế NK theo lộ trình từ 3 năm đến 7 năm.
Về nguyên phụ liệu dệt may, da giày, trong giai đoạn 2007 - 2015, Việt Nam NK trung bình khoảng 180 triệu USD kim ngạch nhóm hàng này. Với việc thuế suất cơ sở từ 0 - 30% được xóa bỏ trong tương lai, các DN Việt Nam sẽ có cơ hội NK nguyên phụ liệu dệt may, da giày từ EU với mức thuế NK thấp hơn, giúp làm hạ giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm quy tắc xuất xứ tốt hơn.
Ông Nguyễn Anh Dương, Phó trưởng ban Ban Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư: Việt Nam phải đối mặt với các hàng rào thương mại từ EU
Trong thực thi Hiệp định EVFTA, điều mà Việt Nam phải đối mặt khá lớn chính là các hàng rào thương mại. Điển hình thời gian gần đây chính là hải sản Việt Nam bị EU rút “thẻ vàng”. Động thái này không chỉ đơn giản là chất lượng sản phẩm mà còn mở rộng hơn tới việc đánh bắt thủy sản của Việt Nam. Khi XK hàng hóa sang EU, các DN cần đặc biệt lưu ý, quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm theo chuỗi, kiểm soát chất lượng ngay từ đầu vào để đảm bảo các quy định và tiêu chuẩn.
Ông David Vanzentti, Đại học Quốc gia Australia: Cần giải quyết vấn đề môi trường bằng chính sách môi trường
Tham gia Hiệp định EVFTA, Việt Nam có cơ hội ở các thị trường mới đối với nhiều ngành hàng như: Dệt may, da giày, nông nghiệp chế biến, dịch chuyển vốn và lao động…Tuy nhiên, để tận dụng tốt các cơ hội, Việt Nam cần giám sát chặt chẽ quá trình thực thi hiệp định. Đặc biệt, đối với các vấn đề liên quan tới môi trường, Việt Nam cần giải quyết bằng chính sách môi trường chứ không phải chính sách thương mại.
Uyển Như (ghi)