Sáng ngày 19/7, tại buổi Đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh, nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2019 của ngành dệt may Việt Nam, ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, kinh tế thế giới có xu hướng tăng chậm lại do những biến động và xung đột chính trị, đặc biệt chính sách bảo hộ, chiến tranh thương mại gia tăng ngày càng phúc tạp, khó lường. Tuy nhiên, kinh tế trong nước tiếp tục có chuyển biến tích cực.
Cụ thể, GPD bình quân 6 tháng ước tăng 6,76%; CPI tăng 2,64%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,5% trong đó có ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,8%. Kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 122,72 tỷ USD tăng 7,3%, kim ngạch nhập khẩu đạt 122,76 tỷ USD tăng 10,5% so với cùng kỳ 2018.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam 6 tháng ước đạt 17,97 tỷ USD, tăng 8,61% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, hàng may mặc đạt 14,02 tỷ USD, tăng 8,71%. Mặt hàng vải đạt 1,02 tỷ USD tăng 29,9%, các mặt hàng xơ, sợi đạt 2,01 tỷ USD tăng 1,1%, vải địa kỹ thuật tăng 16,9%, phụ liệu dệt may giảm 0,29%.
Chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 11,39 tỷ USD (tăng 5,66%). Trong đó, nhập khẩu bông đạt 1,52 tỷ USD (giảm 1,99%), nhập khẩu xơ sợi các loại đạt 1,23 tỷ USD (tăng 6,65%), nhập khẩu vải đạt 6,75 tỷ USD (tăng 7,56%), nhập khẩu phụ liệu đạt 1,89 tỷ USD (tăng 5%). Giá trị nhập khẩu phục vụ cho xuất khẩu đạt 9,56 tỷ USD (tăng 7,04%). Giá trị nội địa của hàng hóa dệt may xuất khẩu đạt 8,4 tỷ USD (tăng 10,45%).
Về thị trường xuất khẩu hàng vải và may mặc, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 7,22 tỷ USD (tăng 12,84%) so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 46,9%; tiếp đó là các nước CPTPP đạt 2,57 tỷ USD (tăng 11,13%) chiếm tỷ trọng 16,71% (riêng Nhật Bản đạt 1,79 tỷ USD, tăng 5,6% và chiếm 11,68%); EU đạt 2,05 tỷ USD tăng 10,46% chiếm tỷ trọng 13,36%; Hàn Quốc đạt 1,37 tỷ USD tăng 5,59% chiếm tỷ trọng 8,91%.
Ông Cẩm cũng cho biết, hiện tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp không được khả quan so với năm 2018. Tình trạng khan hiếm đơn hàng khá phổ biến. Lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp mới chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, việc tiêu thụ sợi và phụ liệu gặp nhiều khó khăn. Do đó, Hiệp hội cho rằng các doanh nghiệp sẽ phải cố gắng rất nhiều mới có thể đạt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD cả năm 2019.