Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tuần này tăng, theo đó loại đồ 5% tấm tăng lên 358- 363/tấn, từ mức 355- 360 USD/tấn cách đây một tuần do nhu cầu tăng nhẹ và rupee mạnh lên.
Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada, bang Andhra Pradesh cho biết: "Rupee liên tục tăng giá và gây áp lực lên biên lợi nhuận của chúng tôi. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng giá".
Mặc dù đang hồi phục song giá gạo Ấn Độ hiện vẫn thấp hơn một tháng trước đây, do cước phí vận chuyển cao khiến nhiều nhà nhập khẩu chủ chốt trì hoãn ký hợp đồng mua vào lúc này, đúng thời điểm nguồn cung nội địa vẫn dồi dào sau khi Chính phủ nước này xả kho dự trữ để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid. Đa số các khách hàng của Ấn Độ đã tạm dừng mua để chờ phí vận chuyển và giá thuê container giảm.
Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan tuần này ít thay đổi do việc vận chuyển bị hạn chế mặc dù nhu cầu tăng nhẹ, trong khi Bangladesh cho phép tư nhân nhập khẩu và hạ thuế nhập khẩu để ngăn giá gạo trong nước tăng cao.
Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Thái Lan hiện ở mức 390- 400 USD/tấn, so với mức 390- 403 USD cách đây một tuần.
Một số nguồn tin từ Thái Lan cho biết giá gạo giảm thấp đã thu hút khách hàng truyền thống ở Trung Đông hỏi mua. Đây là tín hiệu tích cực với ngành gạo Thái Lan, khi mà suốt nhiều tháng qua hầu như thiếu vắng khách hàng bởi cước vận tải cao và giá cao hơn các xuất xứ khác.
Tuy nhiên, việc khan hiếm tàu chở gạo khi có rất ít tàu cập cảng Thái Lan vẫn là một thách thức lớn đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa nói chung và xuất khẩu gạo nói riêng của nước này. "Với những mức giá hiện nay, người mua muốn mua nhưng không có tàu vận chuyển", Reuters dẫn lời một nhà xuất khẩu ở Bangkok cho hay.
Thái Lan đã xuất khẩu 2,59 triệu tấn gạo từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện ở mức thấp, 385 USD/tấn, trong bối cảnh nhiều tỉnh thành ở ĐBSCL tiếp tục giãn cách xã hội để chống Covid-19, khiến cho hoạt động giao hàng của các nhà xuất khẩu buộc phải trì hoãn lại. Giao dịch vẫn chậm do nhu cầu yếu và khó khăn trong khâu chuyên chở do những quy định ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tháng 8/2021 tiếp tục xu hướng giảm từ tháng trước đó trong bối cảnh nhu cầu từ khách hàng nước ngoài chậm, cước phí vận chuyển cao, dịch Covid-19 tái bùng phát và nguồn cung cao bởi đang vụ thu hoạch Hè Thu. Việc giá gạo Thái Lan và Ấn Độ giảm cũng tác động đẩy giá gạo Việt Nam giảm theo.
Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam
Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở một số tỉnh phía Nam đã ảnh hưởng đến thị trường lúa gạo tháng này bởi đang vụ thu hoạch nhưng các thương lái khó khăn trong việc vận chuyển lúa thu mua. Các thương nhân cũng do dự trong việc ký các hợp đồng xuất khẩu mới, vì sợ không thu mua đủ gạo đúng hạn.
Giá lúa gạo trong nước cũng tiếp diễn xu hướng giảm từ tháng 7 tới trung tuần tháng 8/2021 do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động thu mua lúa và xuất khẩu gạo, đẩy giá lúa gạo nguyên liệu ở ĐBSCL xuống thấp nhất trong vòng mấy năm trở lại đây. Giá lúa gạo trong nước chỉ bắt đầu hồi phục sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị có biện pháp gỡ vướng cho ngành lúa. Nhờ đó, đến cuối tháng 8/2021, giá lúa gạo trong nước trung bình đã hồi phục lên cao hơn mức cuối tháng 7/2021.
Đáng chú ý, Bangladesh đã cho phép tư nhân nhập khẩu 1,7 triệu tấn gạo. Đây vốn là nhà sản xuất gạo lớn, nhưng đã chuyển thành nhà nhập khẩu gạo lớn sau khi lũ lụt triền miên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng năm ngoái. Việc Bangladesh ráo riết nhập khẩu gạo là yếu tố quan trọng đẩy giá gạo Châu Á tăng trong những tháng cuối năm 2020, đầu năm 201 và ngăn giá gạo giảm mạnh hiện nay.
Theo thông tin từ Bangladesh, sau khi tư nhân được cấp phép nhập khẩu gạo, hầu hết gạo sẽ được nhập khẩu từ Ấn Độ do gần về mặt địa lý, nhưng giá của Ấn Độ có thể tăng do nhu cầu từ Bangladesh.
"Giá cước vận chuyển gạo từ Ấn Độ tới Bangladesh cũng rẻ hơn nhiều so với từ Thái Lan hay Việt Nam. Ngoài ra, thương nhân cũng có thể nhập khẩu gạo qua đường bộ", một nguồn tin Bangladesh cho hay.
Hiện gạo nhập khẩu đã bắt đầu được chuyển vào Bangladesh thông qua các cảng đất liền. Quốc gia này đã nhập khẩu 1,3 triệu tấn tính đến tháng 6, cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Như vậy, cước phí vận chuyển tiếp tục tăng cao đang ảnh hưởng tới thương mại gạo của tất cả các nước, khiến các nhà nhập khẩu gạo phải hoãn ký hợp đồng vào lúc này để chờ cước phí giảm xuống. Không chỉ cước phí cao, tình trạng thiếu tàu chở hàng cũng rất nghiêm trọng. Đáng lo ngại là vấn đề này dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới xuất nhập khẩu gạo thế giới trong thời gian tới.
Nhiều tháng nay, rất khó để tìm được tàu chở hàng do nhu cầu cao trong khi nguồn cung thấp, đẩy giá thuê tàu lên rất cao. Ngay cả khi tìm được tàu chở hàng thì cũng không có gì đảm bảo người thuê sẽ được sử dụng con tàu đó, một số trường hợp chủ tàu hủy hợp đồng khi gần đến lúc thực hiện, dẫn tới việc đối tác phải tốn thêm nhiều chi phí bổ sung. Cước phí vận chuyển gạo từ Myanmar sang Bắc Âu trung bình khoảng 360 USD/tấn, trong khi giá gạo chất lượng cao của Myanmar chỉ khoảng 320 USD/tấn (FOB), tức là cước vận chuyển cao hơn 13% so với giá gạo). Cước vận tải bằng container từ Pakistan sang Italy cách đây 2 năm là 1.500 USD/chuyến, nay lên tới 8.000 USD/container, tương đương tăng 250 USD/tấn. Cước vận chuyển gạo từ Ấn Độ đến Châu Phi hiện cũng tới 6.750- 7.500 Rs/tấn, vận tải bằng container giá 9.350-10.100 Rs/tấn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Về triển vọng thị trường, dự báo giá gạo tháng 9/2021 sẽ tiếp tục giảm chậm do nguồn cung gạo thế giới vẫn dồi dào. Thương mại gạo thế giới trong thời gian tới dự báo sẽ phụ thuộc vào tình hình dịch Covid-19, làm cho cước phí vận chuyển tăng và việc vận chuyển gặp khó khăn.
Nhiều khả năng thị trường sẽ còn tiếp tục ảm đạm bởi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng ở Châu Á, buộc các thị trường phải thực hiện các biện pháp hạn chế để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.
Tuy nhiên, sau giai đoạn giảm này, dự báo giá sẽ hồi phục, khi dịch bệnh giảm dần và cước phí vận tải giảm xuống, khiến các khách hàng quay trở lại thị trường để ký hợp đồng mua mới.
Tham khảo: Refinitiv, Spglobal