Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2023, sản lượng lúa cả nước đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022. Giá trị xuất khẩu gạo đã đạt kỷ lục với 4,78 tỷ USD, tăng 38,4% so với năm 2022.
Tuần qua, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đứng ở mức 653 USD/tấn, giảm so với mức 660 - 665 USD/tấn của tuần trước. Giá loại gạo này ước đạt mức tăng theo năm là 44% trong năm nay.
Theo một nhà giao dịch tại Đồng bằng sông Cửu Long, giá giảm nhẹ trong tuần này khi các nhà giao dịch chờ nguồn cung mới vụ Đông Xuân. "Trong nửa đầu năm 2024, Philippines, Trung Quốc và Indonesia sẽ vẫn là các thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam", nhà giao dịch nhận định.
Trong khi giá gạo 5% tấm của Thái Lan được niêm yết với giá từ 655 - 660 USD/tấn, cao nhất kể từ đầu năm 2008, so với mức từ 646 - 650 USD/tấn của tuần trước.
Giá gạo của Thái Lan năm 2023 cũng tăng mạnh nhất kể từ đầu những năm 2000, với mức tăng khoảng 41% kể từ đầu năm nay.
Các nhà giao dịch cho rằng giá gạo của Thái Lan tăng là do nhu cầu mạnh từ nước ngoài, đặc biệt là từ Indonesia và Philippines, khi nguồn cung thiếu hụt trước kỳ nghỉ Năm mới.
Còn giá gạo đồ xuất khẩu của Ấn Độ tuần qua tiếp tục tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2023, do nguồn cung bị thắt chặt và giá chào bán của các nước khác tăng.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đứng ở mức 508 - 515 USD/tấn, so với mức 505 - 512 USD/tấn của tuần trước. Trong năm 2023, giá loại gạo này ước đạt tăng mạnh nhất kể từ năm 2004.
Sản lượng gạo của Ấn Độ trong năm nay dự kiến giảm lần đầu tiên trong 8 năm, làm gia tăng khả năng nước này sẽ tiếp tục hạn chế xuất khẩu để kiểm soát giá lương thực.
Giá gạo Việt xuất khẩu dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao
Chỉ tính riêng trong 2 tháng gần đây, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam liên tục lập đỉnh và cao nhất là 663 USD/tấn vào đầu tháng 12, mức giá rất cao trong nhiều năm trở lại đây.
Năm 1989, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo , với sản lượng 1,4 triệu tấn, trị giá 320 triệu USD. Đến cuối năm 1999, gạo Việt đánh dấu cột mốc kim ngạch xuất khẩu vượt con số 1 tỷ USD với 4,6 triệu tấn, thì nay con số này đã tăng gần 5 lần. Đáng chú ý, tỷ trọng giống lúa chất lượng cao của Việt Nam tăng từ 50% năm 2015 lên 74% năm 2020 và hiện đạt 85%.
Khối lượng gạo xuất khẩu được giữ ở mức 6 triệu tấn, có xu hướng tăng trưởng qua các năm, giá trị xuất khẩu liên tục trên 3 tỷ USD/năm.
Thị trường gạo toàn cầu năm 2023 gặp nhiều biến động, nguồn cung hạn chế do thời tiết và chính sách hạn chế xuất khẩu của nhiều quốc gia. Giá gạo đã liên tục phi mã trong một số thời điểm từ nửa cuối tháng 7 và kéo dài cho tới thời điểm này.
Các chuyên gia dự báo, giá gạo thế giới vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao vào năm 2024.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024, sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, đồng thời, mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn. Như vậy, thế giới sẽ thiếu hụt 5 triệu tấn gạo trong năm tới. Lượng gạo tồn kho toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn.
Trong khi Ấn Độ, nhà xuất khẩu 40% tổng lượng gạo thế giới, có thể sẽ duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo trong năm 2024. Do đó nhiều khả năng, giá gạo toàn cầu sẽ vẫn duy trì ở mức cao kỷ lục kể từ sau cuộc khủng hoảng gạo năm 2008. Giá gạo Việt Nam xuất khẩu dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao 640 - 650 USD/tấn trong những tháng đầu năm.