Xuất khẩu gạo Việt Nam bứt phá ngay từ đầu năm
Giá gạo xuất khẩu (XK) của Việt Nam đã vượt qua Thái Lan, đối thủ mạnh nhiều năm qua. Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm, XK gạo đạt 889 nghìn tấn và 437 triệu USD, tăng 21% về khối lượng và tăng 39,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Theo Bộ NN&PTNT, hai tháng đầu năm, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu (NK) gạo của Việt Nam trong tháng đầu năm với 26,9% thị phần, tiếp đó là thị trường Trung Quốc với 23,5% thị phần.
Ông Trần Quốc Tuấn, Chánh Văn phòng Bộ NN&PTNT đánh giá: Trong những tháng đầu năm, tình hình XK gạo rất tốt. Giá gạo của Việt Nam cao hơn Thái Lan.
Nếu như giá gạo XK bình quân trong năm 2016 chỉ đạt 435 USD/tấn thì năm 2017 là 450 USD/tấn. Giá gạo trong đợt XK đầu năm 2018 đạt mức 475 USD/tấn.
Xuất khẩu gạo liên tục thu về tín hiệu tích cực khi gia tăng cả sản lượng lẫn giá trị. Ảnh: CTV |
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đánh giá, sở dĩ gạo Việt Nam có thể “qua mặt” cả Thái Lan là do chúng ta lâu nay chủ yếu XK gạo thường IR 50404. Hiện nay, gạo XK phần lớn là loại gạo ngon. Năm 2017, tới 81% gạo XK là gạo nếp, tám thơm, gạo jasmine...
“Có thể nói, định hướng nhiều năm tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo nhằm nâng cao chất lượng gạo của Việt Nam đã bước đầu có hiệu quả. Trong 3-4 năm qua, Việt Nam đã xây dựng được cơ cấu giống lúa chất lượng cao chiếm tới 80%.
Bên cạnh đó, trong việc đấu giá gạo hiện nay, doanh nghiệp các nước cùng tham gia đấu giá công khai với doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi chất lượng gạo Việt có nhiều cải tiến thì chất lượng gạo của các nước này hầu như không cải tiến nhiều. Điều này cũng giúp gạo XK tăng sức cạnh tranh”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn chia sẻ.
Ông Tuấn cho biết, năm 2018, mục tiêu hướng tới là XK đạt khoảng 6,5 triệu tấn với cơ cấu XK chủ yếu là gạo chất lượng tốt. Loại gạo thường IR50404 vẫn giữ tỷ lệ nhất định trong cơ cấu hàng XK, song không quá 20%. Hiện nay, dù giá loại gạo này khá tốt nhưng không phải vì cái lợi trước mắt mà đẩy tăng gieo trồng trở lại.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định, về lâu dài, XK gạo cần tiếp tục kiên trì theo con đường nâng cao chất lượng. Sau khi đảm bảo chất lượng, phải làm tốt hơn vấn đề thương hiệu, như vậy lâu dài sẽ giữ được giá cao.
Thời điểm hiện nay, lúa đông xuân 2017-2018 ở đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch rộ. Thời tiết thuận lợi, nông dân trúng mùa, lúa bán giá cao. Chuyển động thị trường xuất gạo đầu năm bắt nhịp khá tốt.
Xuất khẩu gạo cần kiên trì theo con đường nâng cao chất lượng. |
Ông Nguyễn Ngọc Nam, quyền Tổng giám đốc Vinafood2, tân Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng khẳng định, thời cơ cho xuất khẩu gạo đang mở rộng.
Đặc biệt, Hiệp định CPTPP (Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) gồm 11 nước thành viên trong đó có Việt Nam, vừa được ký kết có nhiều nội dung sẽ giúp Việt Nam thuận lợi hơn trong việc xử lý các rào cản kỹ thuật đối với các quốc gia là đối tác trong liên kết này.
“Cũng từ hiệp định này chúng ta từng bước xuất khẩu vào thị trường các nước tham gia hiệp định, đòi hỏi chất lượng cao, an toàn, là cơ hội cải tiến sản xuất. Đó là động lực để chúng ta thay đổi.
Qua 2 tháng đầu năm, số lượng hợp đồng ký kết xuất khẩu tiếp tục tăng hơn cùng kỳ và giá cả cũng tăng hơn. Theo ước đoán, xuất khẩu gạo năm 2018 có thể đạt trên 6 triệu tấn, tăng hơn năm 2017. Trung Quốc vẫn là thị trường lớn về nhập khẩu gạo Việt Nam”, ông Quyền thông tin.
Theo ông Quyền, thêm một tín hiệu đáng mừng cho gaọ Việt Nam là trước đây, một số nước, cụ thể như Indonesia từng thông báo tự cân đối được nguồn cung lương thực trong nước. Nhưng vào đầu năm 2018, Indonesia lại nhập khẩu 500.000 tấn gạo.
Trong khi một vài nước sản xuất lúa gạo trước đây có nguồn tồn kho lớn như Thái Lan trên 20 triệu tấn, kéo dài đến năm 2017 đã tiêu thụ hết tồn kho. Hay như Ấn Độ sau nhiều năm liên tục dẫn đầu xuất khẩu gạo thì nay lượng tồn kho dự trữ đã giảm. Do đó, đây là cơ hội của những nước sản xuất và xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, những kết quả đạt được cũng khiến ngành lúa gạo Việt Nam vừa mừng vừa lo.
“Ngay tại một số tổng công ty lớn, khâu chế biến sản phẩm gạo cũng còn thấp so với thế giới. Tháng 5-2017, khi tham gia hội chợ tại Thái Lan, điểm dễ nhận thấy là gạo Việt còn kém xa gạo Thái Lan về mức độ đa dạng hóa sản phẩm. Chất lượng, mẫu mã cũng còn nhiều vấn đề phải bàn”, ông Toản nói.
Vì vậy, ông Toản cho rằng, các giải pháp đồng bộ không thể đem lại kết quả nhanh chóng trong “một sớm một chiều”.
Hiện nay, vấn đề xây dựng thương hiệu cho gạo Việt đang được nỗ lực hoàn thành. Logo thương hiệu gạo quốc gia đã được phê duyệt và tới đây sẽ có cơ chế quản lý. Thời gian qua, tổng thể chung để phát triển ngành gạo đã có nhiều giải pháp được đưa ra, xuất hiện những khu vực tư nhân quan tâm đến lĩnh vực chế biến gạo.
Với cách tiếp cận vấn đề từ nhiều phía như chế biến, xây dựng thương hiệu, tổ chức thị trường… cùng với sự vào cuộc của các doanh nghiệp ngành Nông nghiệp, nhất là nhưng tập đoàn lớn, hy vọng các khó khăn nội tại của ngành lúa gạo sẽ được giải quyết.