Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2018 tăng 25,7% về lượng, tăng 42,6% về kim ngạch và tăng 13,4% về giá so với 5 tháng đầu năm 2017. Cụ thể, lượng gạo xuất khẩu đạt 2,96 triệu tấn, thu về 1,5 tỷ USD, giá trung bình 505,1 USD/tấn.
Gạo xuất khẩu sang Trung Quốc mặc dù giảm 21,3% về lượng và giảm 7,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn là thị trường đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, đạt 844.097 tấn, tương đương 449,43 triệu USD, giá xuất khẩu tăng trên 17%, đạt 532,4 USD/tấn.
Xuất khẩu sang thị trường Indonesia tăng đột biến gấp 291 lần về lượng và gấp 269 lần về kim ngạch so với cùng kỳ, đưa Indonesia lên vị trí thứ 2 về tiêu thụ gạo của Việt Nam, với 596.058 tấn, tương đương 280,04 triệu USD. Tuy nhiên, giá xuất khẩu giảm 7,3%, đạt 469,8 USD/tấn.
Thị trường Malaysia vẫn duy trì đà tăng trưởng rất mạnh, tăng 150% về lượng và tăng 177,6% về kim ngạch, đạt 273.019 tấn, tương đương 122,4 triệu USD; giá xuất khẩu tăng 10,9%, đạt 448,3 USD/tấn.
Xuất khẩu gạo sang các thị trường chủ yếu 5 tháng đầu năm 2018
Irắc nổi bật lên với mức tăng vượt trội gấp 18,7 lần về lượng và gấp 25,7 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 150.000 tấn, tương đương 85,56 triệu USD. Giá xuất khẩu cũng tăng mạnh 37,6%, đạt 570,4 USD/tấn.
Đáng chú ý nhất là thị trường Bangladesh mặc dù lượng xuất khẩu không lớn, chỉ 3.994 tấn, tương đương 1,57 triệu USD, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái thì tăng trưởng mạnh nhất trong tất cả các thị trường, gấp 90,8 lần về lượng và gấp 61,6 lần về kim ngạch. Tuy nhiên, giá xuất khẩu lại ở mức rẻ nhất so với các thị trường khác, chỉ đạt 392,3 USD/tấn, giảm mạnh 30,1%.
Bên cạnh đó, một số thị trường cũng đạt mức tăng trưởng cao trên 100% cả về lượng và kim ngạch như: Pháp tăng 294,4% về lượng và tăng 203% về kim ngạch; Thổ Nhĩ Kỳ tăng 813,8% về lượng và tăng 1.026% về kim ngạch; Mỹ tăng 135,9% về lượng và tăng 144,5% về kim ngạch, Ba Lan tăng 75,4% về lượng và tăng 102,5% về kim ngạch.
Nhìn chung, giá xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm nay sang hầu hết các thị trường đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xuất sang Chi Lê đạt mức cao nhất 776,9 USD/tấn, tăng 97,6%. Một số thị trường cũng đạt mức giá cao như: Senegal 712,6 USD/tấn, tăng 24,2%; Bỉ 660 USD/tấn, tăng 61%; Pháp 696,8 USD/tấn, giảm 23,2%; Australia 668 USD/tấn, tăng 21,3%.
Ngược lại, các thị trường xuất khẩu ở mức giá thấp gồm có: Brunei 431,4USD/tấn, tăng 9,6%; Nga 434 USD/tấn, tăng 15%; Algeria 433,3 USD/tấn, tăng 10,4%; Malaysia 448 USD/tấn, tăng 10,9%, Philippines 464,8 USD/tấn, tăng 22%; Indonesia 469,8 USD/tấn, giảm 7,3%; Angola 477,8 USD/tấn, tăng 27%.