Ngành Thuế từng cảnh báo, yêu cầu rà soát các DN có rủi ro cao về hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) lên tới cả trăm tỷ đồng. Điển hình, gần đây nhất là vụ việc của hai DN phía Nam gồm Cty CP Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) và Cty CP thương mại Sàn Gòn Tây Nam. Số tiền hoàn thuế 2 DN này lên tới hơn 300 tỷ đồng.
Liên quan tới vụ Thuduc House, ngày 1/3, chia sẻ với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết, các đối tượng đã lợi dụng sự thông thoáng trong cơ chế thành lập DN để lập công ty con mua bán hàng hóa trong nước với giá thấp. Sau đó, họ nâng giá cao gấp hàng trăm lần, làm giả hồ sơ để xuất khẩu (XK), rồi làm thủ tục hoàn thuế để chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.
Hiện nay, Cục Điều tra chống buôn lậu đang phối hợp với C03 - Bộ Công an mở rộng chuyên án ra nhiều tỉnh thành phố để truy vết các đối tượng, đường dây chiếm dụng tiền hoàn thuế VAT.
Vị này cũng tiết lộ, DN trong vòng 5 năm trở lại đây phát sinh việc XK nhiều loại hàng hóa như linh kiện điện tử, gỗ nhám sẽ bị đưa vào diện rà soát.
Ngoài Thuduc House, cơ quan điều tra đang mở rộng điều tra đối với Cty CP thương mại Sài Gòn Tây Nam (đăng ký kinh doanh tại xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, Tây Ninh) và 70 DN liên quan, trong đó có một số DN “ma”, DN được thuê hoặc mua lại.
Các công ty được nêu đích danh trong tầm ngắm thanh kiểm tra của ngành Thuế như: Cty TNHH Quốc tế Hoàng Nam Anh, Cty TNHH TMDVXNK Văn Nguyện, Cty TNHH TMDV Điện tử Văn Nghĩa; Cty TNHH TMDVXNK Phú Trung, Cty TNHH TMDVXNK Kim Hoa, Cty TNHH TMDVXNK Nam Thành Phát...
“Một số DN có hàng hóa nhập khẩu (NK) như linh kiện điện tử, máy tính có mẫu mã và đặc tính kỹ thuật giống nhau. Khi NK, các DN khai báo giá trị rất thấp, nhưng khi xuất khẩu (XK), một số DN khác lại khai báo giá trị rất cao, chênh lệch khoảng hơn 50 lần. Mỗi lô hàng XK có trọng lượng chỉ vài kg đến vài chục kg nhưng trị giá khai báo lên đến vài tỷ đồng hoặc vài chục tỷ đồng”, cán bộ Cục Điều tra chống buôn lậu chia sẻ.
Ngoài ra, theo vị này, xác minh một số vụ việc vừa qua cho thấy, hồ sơ XK hàng hóa như hợp đồng, hóa đơn, sổ kế toán, chứng từ thanh toán của DN có quan hệ không khớp đúng với bản chất kinh tế theo quy định của pháp luật. Các DN XK linh kiện điện tử thực chất không thực hiện giao dịch với phía nước ngoài mà chỉ nhận phí hoa hồng đối với dịch vụ XK. DN mua hàng (bên NK) không tồn tại hoặc là DN bất hợp pháp tại nước ngoài.
Trước đó, Cục Thuế TPHCM cho biết, báo cáo của Tổng cục Hải quan gửi Bộ Tài chính cho thấy, từ 17/2/2017 đến 2/8/2019, Thuduc House mở 501 tờ khai XK linh kiện điện tử, trị giá tính thuế 5.286 tỷ đồng. Từ tháng 2/2018 đến tháng 8/2019, DN này được hoàn thuế VAT 17 lần với gần 261 tỷ đồng.
Còn Cty Sài Gòn Tây Nam (trụ sở Tây Ninh) đã XK linh kiện trị giá hơn 1.645 tỷ đồng và nhận hoàn thuế hơn 75 tỷ đồng.
Theo xác minh từ các Chi cục Thuế, phần lớn DN bán hàng cho 2 DN trên đều không có tại địa chỉ đăng ký; thường xuyên thay đổi thông tin về địa chỉ trụ sở chính, thông tin về chủ DN, người đại diện theo pháp luật, thông tin về nơi đăng ký quản lý thuế…