Chiều 25/9, tại hội nghị bàn về giải pháp mục tiêu xuất khẩu lâm sản năm 2020, ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, xuất khẩu gỗ và lâm sản trong nửa đầu tháng 9/2020 đạt trên 565 triệu USD, ước cả tháng 9/2020 đạt trên 1,13 tỷ USD, tăng gần 24% so với cùng kỳ 2019.
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 8,97 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ 2019, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,38 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ.
Theo ông Nghĩa, trong 3 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản có tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6/2020, giá trị xuất khẩu giảm, đặc biệt là tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU do dịch COVID-19.
Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT lưu ý vấn đề nguồn gốc gỗ hợp pháp để ngành gỗ phát triển bền vững
Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 7/2020 khi dịch bệnh đã dần được khống chế, các quốc gia đã bắt đầu phục hồi sản xuất, kinh doanh mở cửa, phát triển kinh tế nên nhu cầu nhập khẩu gỗ và lâm sản đã tăng lên đáng kể với nhiều đơn hàng đã được ký kết.
Trong tháng 8 và tháng 9 giá trị xuất khẩu đã tăng ở mức 2 con số; đặc biệt, lần đầu tiên, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản tháng 8 đã đạt trên 1 tỷ USD.
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), trong quý II, do ảnh hưởng trầm trọng của đại dịch, nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, hàng chục nghìn lao động phải tạm ngưng, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, một số nguồn tin dự báo ngành có tăng trưởng âm.
Tuy nhiên, đầu từ tháng 6/2020, ngành gỗ đã tăng trưởng trở lại hai con số. Theo ông Lập, bên cạnh các chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ trong giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch, cũng có những chuỗi cung ứng hoàn toàn không bị đứt gãy, thậm chí còn phát triển hơn trước giai đoạn đại dịch như mặt hàng tủ bếp, tủ nhà tắm, ván trang trí…
Về giai đoan tới đây, ông Lập cho rằng, Việt Nam cần định rõ ràng sản phẩm chiến lược và thị trường chiến lược để làm bệ đỡ cho sự phát triển bức phá của ngành gỗ.
“Sản phẩm chiến lược rõ ràng là tủ bếp, tủ nhà tắm (chưa kể ván trang trí). Qua số liệu thống kê, 9 đầu năm tháng xuất khẩu đạt trên gần 1 tỷ USD, tăng trên 80% so với cùng kỳ. Chuỗi cung ứng của mặt hàng này không bị đứt gãy ở đỉnh điểm của đại dịch”, ông Lập nói.
Theo tổ chức ITC, qui mô giá trị thương mại của mặt hàng này đạt khoảng 7 tỷ USD, Mỹ là thị trường khổng lồ của Việt Nam về mặt hàng này, xuất khẩu sang Mỹ chiếm 90%, và chúng ta đang coi thị trường này là thị trường chiến lược.
Chủ tịch Viforest cũng cho rằng, Việt Nam cần đang dạng hóa sản phẩm từ gỗ rừng trồng, phát huy hiệu quả chuỗi phát triển lâm nghiệp.
Bởi, báo cáo của các hiệp hội và tổ chức Forest Trends vừa công bố cho thấy, có sự mất cân bằng vĩ mô giữa vùng nguyên liệu rừng trồng và năng lực chế biến sâu, đặc biệt ở khu vực Trung Trung bộ và vùng Đông Bắc, nơi có các diện tích rừng trồng rất lớn.
Báo cáo cũng cho rằng ngành dăm tồn tại và phát triển là sản phẩm trực tiếp của việc mất cân đối vĩ mô này. Do vậy, hạn chế sự phát triển của ngành dăm theo cách hiện nay (ví dụ như dựa vào chính sách thuế) không đạt được hiệu quả như kỳ vọng, thậm chí còn ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ trồng rừng.
Để giảm thiểu việc mất cân bằng vĩ mô giữa vùng nguyên liệu và năng lực chế biến sâu cần có những cơ chế, chính sách đột phá nhằm lôi kéo đầu tư chế biến sâu vào các vùng nguyên liệu…
Chủ tịch Virorest cho rằng, Việt Nam cần định rõ ràng sản phẩm chiến lược và thị trường chiến lược để làm bệ đỡ cho sự phát triển bứt phá của ngành gỗ.
Tuy nhiên, ngành dăm đang có những dấu hiệu không bền vững và để phát triển ngành cần phải thay đổi. Thay đổi cần đi theo hướng đa dạng hóa sản phẩm đầu ra từ gỗ rừng trồng. Nguồn nguyên liệu cho dăm có thể đưa vào chế biến để tạo ra các mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn, như viên nén, các loại ván…
Đa dạng hóa sản phẩm đầu ra từ gỗ rừng trồng không những góp phần giảm sự lệ thuộc của ngành dăm vào một loại sản phẩm dăm, vào một thị trường là Trung Quốc, góp phần giảm rủi ro cho ngành dăm, và góp phần tạo nên một thị trường cạnh tranh về gỗ rừng trồng nguyên liệu, đem lại giá trị kinh tế cao hơn cho các hộ trồng rừng.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, tuy ảnh hưởng rất lớn do dịch COVID-19, nhưng nhờ nỗ lực, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp gỗ, nên trong 9 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng 12% so với cùng kỳ năm trước, với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 9 tỷ USD.
Thứ trưởng Tuấn nhận định, với tốc độ tăng trưởng 12-15%, nếu không có gì đặc biệt, ngành gỗ sẽ cán đích 13 tỷ USD trong năm 2020, vượt chỉ tiêu của Chính phủ đề ra 1 tỷ USD.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng lưu ý các doanh nghiệp, nhà máy không chủ quan với dịch COVID-19, cần đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch một cách tốt nhất. Đồng thời, cần siết chặt vấn đề truy xuất nguồn gốc gỗ, đảm bảo yếu tố minh bạch, hợp pháp.