Sản xuất ván gỗ xuất khẩu từ nguyên liệu rừng trồng cây gỗ lớn tại nhà máy của Công ty Cổ phần Trường Phát (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) trong khu công nghiệp Phước Hòa, huyện Phú Giáo (Bình Dương). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Từ khi nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã giảm mạnh. Các hiệp hội và doanh nghiệp trong ngành này nhận định, dự kiến cho tới khi dịch bệnh được kiểm soát kim ngạch xuất khẩu nhóm sản phẩm này sẽ còn tiếp tục giảm sâu.
Xuất khẩu giảm mạnh
Việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội đã làm co hẹp các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành gỗ. Trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm rất sâu ở hầu hết các thị trường. Cụ thể, Mỹ giảm 20,3% so với giá trị kim ngạch của tháng 6. Trung Quốc giảm 23,4%; EU giảm 19,7%; Hàn Quốc giảm 10%; Canada giảm 10,1%...
Sự sụt giảm mạnh ở khá nhiều thị trường trọng điểm đã khiến kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của tháng 7 đạt gần 1,3 tỷ USD, giảm 17,3% so với kim ngạch xuất khẩu của tháng 6/2021.
Trừ mặt hàng ván dăm và ván sợi đạt tăng trưởng dương, còn tất cả các mặt hàng khác đều giảm so với tháng 6 cả về lượng và kim ngạch. Một số mặt hàng có tốc độ giảm sâu về kim ngạch như: ghế ngồi giảm 26%; đồ gỗ giảm 17%; dăm gỗ giảm 17%; viên nén giảm 14%.
Sự sụt giảm tiếp tục gia tăng trong tháng 8 khi nửa đầu tháng 8, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 373,8 triệu USD, tương đương 45,5% so với kim ngạch 15 ngày đầu tháng 7/2021.
Theo ông Trần Huy Lê, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Bình Định, sự giảm mạnh trên bởi dịch COVID-19 khiến đứt gãy chuỗi cung, suy giảm đơn hàng, cắt giảm lao động, thu hẹp hoặc đóng cửa nhà máy. Nhiều doanh nghiệp cố gắng duy trì sản xuất ở mức từ 20-50% so với trước thời điểm giãn cách. Điều này nhằm đáp ứng phần nào yêu cầu của khách hàng và duy trì công việc cho người lao động.
Còn theo bà Cao Thị Cẩm, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, tuy kết quả xuất khẩu đang giảm mạnh, nhưng nhờ sự bứt phá mạnh ngay từ đầu năm nên kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 7 tháng năm 2021 vẫn tăng 54%. Sự tăng trưởng này đạt được nhờ sự tăng mạnh ở tất cả các thị trường lớn như: Mỹ tăng trên 77%; Trung Quốc tăng gần 25%; EU tăng 34%; Hàn Quốc tăng gần 17%; Canada tăng gần 49%...
Hai kịch bản trong xuất khẩu
Dịch COVID-19 tác động tiêu cực tới tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành. Khảo sát nhanh tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai do ba 3 đơn vị là: Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA), Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) và Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (DOWA) đối với 265 doanh nghiệp thành viên cho thấy, đến ngày 18/8, số doanh nghiệp gỗ dừng sản xuất là 142, chiếm 54%; giảm công suất do áp dụng “3 tại chỗ” là 123 doanh nghiệp, chiếm 46%. Cùng với đó, số lao động phải nghỉ việc là 104.155 người, chiếm 87%; lao động còn làm việc 15.113 người, chiếm 13%.
Số lượng các doanh nghiệp trực tiếp tham gia xuất khẩu cũng giảm. Theo số liệu từ hải quan cho thấy, số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trong tháng 7/2021 là 2.006 doanh nghiệp, trong khi tháng 6 là 2.119 doanh nghiệp.
Theo ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends, từ thực trạng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thời gian qua, đặc biệt trong thời gian nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, nhóm nghiên cứu của các hiệp hội gỗ và Tổ chức Forest Trends đưa ra 2 kịch bản có thể xảy ra với đối với các doanh nghiệp ngành gỗ.
Kịch bản 1 là kim ngạch xuất khẩu quý III tiếp tục đà giảm như hiện nay, tuy nhiên kim ngạch quý IV sẽ bắt đầu hồi phục. Giả định rằng, mức suy giảm này tiếp tục được duy trì cho đến hết quý III, nhưng tình hình dịch bệnh sau đó được kiểm soát với sự phổ cập của vaccine trong toàn quốc. Kim ngạch xuất khẩu trong quý IV sẽ bắt đầu hồi phục, nhưng mức hồi phục chỉ đạt khoảng 70% so với kim ngạch xuất khẩu trung bình của quý I và II/2021.
Theo ông Tô Xuân Phúc, nếu giả định này là đúng, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành này năm 2021 sẽ đạt khoảng 13,55 tỷ USD.
Kịch bản 2 là kim ngạch xuất khẩu trong các tháng cuối năm 2021 tiếp tục đà giảm như hiện nay do dịch chưa được kiểm soát hiệu quả. Với giả định này, kim ngạch xuất khẩu của quý IV/2021 chỉ tương đương 70% kim ngạch xuất khẩu của quý III. Nói cách khác, suy giảm kim ngạch xuất khẩu như hiện nay vẫn chưa chạm đáy mà sẽ còn tiếp tục giảm sâu ở các tháng cuối năm.
"Nếu giả định này xảy ra, kim ngạch xuất khẩu của cả ngành năm 2021 sẽ đạt khoảng 12,69 tỷ USD", ông Tô Xuân Phúc nhận định.
Theo ông Tô Xuân Phúc, kịch bản tốt là kịch bản 1 và xấu là kịch bản 2 sẽ phụ thuộc vào hiệu quả của các biện pháp chống dịch của Chính phủ và toàn thể xã hội.
Điều quan trọng hiện nay đối với các doanh nghiệp trong ngành là áp dụng các biện pháp kiểm soát rủi ro chặt chẽ nhằm cố gắng duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh, giữ chân khách hàng, tạo việc làm cho người lao động. Đồng thời, tránh đứt gãy hoàn toàn các đơn hàng, gây rủi ro về thị trường đầu ra sản phẩm trong tương lai.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng cho việc quay trở lại sản xuất kinh doanh với cường độ và hiệu quả cao khi bệnh dịch được kiểm soát.
Trước những khó khăn của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho hay, các hiệp hội, doanh nghiệp cần tiếp tục sắp xếp sản xuất, kinh doanh phù hợp, chủ động các phương án, kế hoạch.
Doanh nghiệp kịp thời báo cáo UBND tỉnh thành trên địa bàn về những khó khăn và đề xuất giải pháp tháo gỡ nhằm duy trì, ổn định doanh nghiệp và đời sống người lao động.
Bộ sẽ tiếp tục đồng hành, theo dõi chặt chẽ tình hình, kiến nghị của hiệp hội, doanh nghiệp để tham mưu kịp thời Chính phủ có những giải pháp tháo gỡ kịp thời.