Xuất khẩu nói chung đã có dấu hiệu phục hồi trong quý II, từ mức tăng 5,3% so với cùng kỳ trong quý I lên 9,6%, kéo tăng trưởng 6 tháng đạt 7,2%. Dẫu vậy, đây vẫn là mức tăng trưởng rất thấp so với cùng kỳ năm ngoái là 16,9% và trong 10 năm gần nhất, mức tăng này chỉ cao hơn mức 5.6% của 6 tháng đầu năm 2016.
Tính chung 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu đạt 122,5 tỷ USD, nhập khẩu đạt 120,9 tỷ USD, xuất siêu 1,59 tỷ USD.
Chiếm tỷ trọng 40% tổng giá trị xuất khẩu và có tốc độ tăng trưởng cao, nhóm các sản phẩm điện tử vẫn là nhóm dẫn dắt xu hướng thương mại của Việt Nam. Giảm 3,67% so với cùng kỳ trong quý I, xuất khẩu của nhóm hàng này đã phục hồi, tăng 13,4% so với cùng kỳ trong quý II, kéo tăng trưởng 6 tháng đạt 3,91%.
Hoa Kỳ là thị trường chính giúp duy trì tăng trưởng. Thị trường này tăng 81,8% trong 6 tháng đầu năm, trong khi hầu hết các thị trường lớn đều giảm như Trung Quốc (-26,3%), Nhật Bản (-18%), ASEAN (-8,1%), EU (-6,7%).
Bên cạnh đó, nhập khẩu máy vi tính, điện tử từ Mỹ tăng rất mạnh 48,7% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 2,2 tỷ USD - dẫn đầu trong số các nhóm hàng nhập khẩu từ Mỹ, chiếm 31,8% trong tổng kim ngạch.
Xuất khẩu mặt hàng máy vi tính cũng cải thiện từ mức tăng 9,8% lên 14,8%, đồng thời vượt qua ngành dệt may trở thành mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn thứ 2.
Máy ảnh, máy quay phim chỉ tăng 2,84% so với năm trước năm ngoái. Tình hỉnh xuất khẩu cải thiện giúp chỉ số sản xuất công nghiệp sản phẩm điện tử phục hồi nhẹ dù vẫn còn ở mức thấp, 3,5% so với cùng kỳ.
Nhóm hàng điện tử bắt đầu giảm tốc từ cuối năm 2018 và thậm chí tăng trưởng âm trong những tháng đầu năm 2019 do thị trường toàn cầu bước vào giai đoạn bão hòa với điện thoại di động. IDC cho rằng doanh thu smartphones toàn cầu sẽ giảm 1,9% trong cả năm 2019.
Điểm tích cực là dự báo giảm sút chủ yếu là trong nửa đầu năm, khoảng 5,5% và sau đó trong nửa cuối năm sẽ lấy lại tăng trưởng 1,4% nhờ động lực từ công nghệ 5G, các thiết bị giá rẻ và nhu cầu từ thị trường Ấn Độ. Thị trường điện thoại di động vì vậy có thể trở lại vùng tăng trưởng từ năm 2020.
Nhập khẩu điện thoại và linh kiện giảm -2,65% trong 6 tháng nhưng chủ yếu giảm trong quý I (-16%), sang quý II nhập khẩu tăng +14%. Điều này củng cố cho sự hồi phục của xuất khẩu điện thoại trong ít nhất là quý III, từ đó hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế nói chung.
Nói riêng Hoa Kỳ, trong 38 mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ 6 tháng đầu năm, chỉ có 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm mà chủ yếu là các mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, điều, tiêu, chè, cao su. Phần lớn các mặt hàng đều đạt mức tăng trưởng rất tốt, đáng kể như điện thoai tăng 81,8%, máy vi tính tăng 76,8%, máy móc thiết bị tăng 52%, phương tiện vận tải tăng 26,7%, túi xách tăng 29,7%, giày dép tăng 15,4%, gỗ tăng 32,9%. Những mặt hàng này đều chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng giá trị xuất khẩu, giúp tổng giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng 27,5% kể từ đầu năm.
Tuy vậy, tăng trưởng ấn tượng của xuất khẩu sang Hoa Kỳ không đủ kéo xuất khẩu của Việt Nam bởi tất cả các thị trường chính khác đều giảm tốc và thậm chí tăng trưởng âm như EU (-0,6%), Trung Quốc (+1,3%), Hàn Quốc (+4,6%), Hong Kong (-15,6%).
Xuất khẩu Việt Nam đang được hưởng nhiều ưu đãi với 12 FTAs đang có hiệu lực kể cả CPTPP, cùng với 4 FTAs đang trong quá trình đàm phán. Tuy nhiên, để tận dụng được những ưu đãi này đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực cải thiện năng lực sản xuất để mở rộng thị trường, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế nhiều quốc gia đang tăng trưởng chậm lại khiến sức cầu suy yếu.