Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn nguồn từ Cục trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, diện tích trồng điều của Việt Nam giảm liên tục trong 8 năm (2007 - 2015), từ gần 440.000ha xuống còn 290.000ha. Mặc dù diện tích trồng điều có xu hướng phục hồi vào năm 2017 đạt 297.498 ha, tuy nhiên do thời tiết không thuận lợi làm giảm năng suất, sản lượng điều.
Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung vào việc tái cơ cấu ngành điều. Cụ thể, không tăng diện tích sản xuất cho đến năm 2030, giữ 300.000 ha cây điều hiện tại và các giải pháp để tăng năng suất gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba lần. Bên cạnh đó, tập trung vào phát triển chế biến sâu, lựa chọn các công ty đủ điều kiện để đầu tư phát triển.
Nguồn: Tổng cục Hải quan.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt điều trong tháng 4/2018 đạt 32,1 nghìn tấn, trị giá 310,1 triệu USD, tăng 12,8% về lượng và tăng 8,4% về trị giá so với tháng 3/2018, tăng 13,5% cả về lượng và trị giá so với tháng 4/2017. Tính chung 4 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu hạt điều đạt 106,4 nghìn tấn, trị giá 1,06 tỷ USD, tăng 27,1% về lượng và tăng 35,3% về trị giá so với 4 tháng đầu năm 2017.
Nguồn: Tổng cục Hải quan.
Giá xuất khẩu bình quân mặt hàng điều trong tháng 4/2018 đạt 9.643 USD/tấn, giảm 3,9% so với tháng 3/2018, nhưng tăng 0,04% so với tháng 4/2017. Trong 4 tháng đầu năm 2018, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng hạt điều đạt 10.011 USD/tấn, tăng 6,4% so với 4 tháng đầu năm 2017.
Tháng 4/2018, giá xuất khẩu hạt điều sang thị trường Pháp tăng 2,6% so với tháng 3/2018 và tăng 1,5% so với tháng 4/2017, đạt mức 10.964 USD/tấn. Tính chung 4 tháng đầu năm 2018, giá xuất khẩu hạt điều sang thị trường Pháp đạt 11.114 USD/tấn, tăng 3,4% so với 4 tháng đầu năm 2017.
Tháng 4/2018, giá xuất khẩu bình quân hạt điều sang nhiều thị trường giảm so với tháng trước. Cụ thể, giá xuất khẩu bình quân hạt điều sang thị trường Hồng Kông giảm 3,8%, đạt 11.448 USD/tấn; giá xuất khẩu sang thị trường Canada giảm mạnh 8%, xuống còn 10.216 USD/tấn.
Cũng trong tháng 4/2018, xuất khẩu hạt điều sang Hoa Kỳ, Đức, Thái Lan, Nga đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm 2017, trong khi xuất khẩu sang Hà Lan, Trung Quốc lại giảm mạnh.
Tháng 4/2018, xuất khẩu hạt điều sang thị trường Hoa Kỳ tăng 14,2% về lượng và tăng 10% về trị giá so với tháng 3/2018, đạt xấp xỉ 13,2 nghìn tấn, trị giá 128 triệu USD, tăng 31,9% về lượng và tăng 31,1% về trị giá so với tháng 4/2017. Tính chung 4 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu hạt điều sang Hoa Kỳ đạt 38,5 nghìn tấn, trị giá 388,27 triệu USD, tăng 33,4% về lượng và tăng 39,4% về trị giá so với 4 tháng đầu năm 2017.
Trên thị trường thế giới, 10 ngày đầu tháng 5/2018, giá hạt điều không có nhiều biến động so với 10 ngày trước đó, trừ giá hạt điều nhân vỡ 2 mảnh tại Delhi tăng và giá hạt điều WW320 giảm.
Dự báo thời gian tới, giá hạt điều thế giới sẽ tăng nhẹ trở lại do các nước sản xuất hạt điều lớn như Việt Nam, Ấn Độ, Bờ Biển Ngà, Nigeria, Ghana bước vào cuối vụ thu hoạch. Do yếu tố thời tiết không thuận lợi, năng suất thu hoạch giảm mạnh. Tại Ấn Độ, tổng sản lượng thiệt hại ước tính lên tới 30 - 40% năng suất cây trồng. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong tháng 6 và tháng 7 do nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu, tồn kho giảm.
Nhu cầu tiêu thụ hạt điều ngày càng tăng. Tháng ăn chay Ramana của người Hồi giáo bắt đầu từ tháng 6 hằng năm, đây là thời gian tiêu thụ hạt điều tăng mạnh. Theo kế hoạch, năm 2018, các nhà chế biến của Ấn Độ sẽ phải nhập khẩu hơn 1 triệu tấn hạt điều thô để đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu của nước này.