Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, giá hạt tiêu ở khu vực Tây Nguyên và miền Nam sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ổn định ở mức 46.000 đồng/kg - mức giá thấp nhất trong vòng gần 10 năm trở lại đây. Hiện Việt Nam xuất khẩu tới 95% sản lượng hạt tiêu. Do đó, để xuất khẩu hạt tiêu bền vững, vấn đề chất lượng phải được đặt lên hàng đầu.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu hạt tiêu tại Việt Nam, điều này chứng tỏ ngành tiêu Việt Nam được thế giới quan tâm, vẫn được đánh giá là nơi có hạt tiêu chất lượng nhất toàn cầu. Doanh nghiệp hạt tiêu Việt Nam cần liên kết, kết nối với các đối tác khách hàng quốc tế, hiệp hội gia vị thế giới để mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm, gia tăng chất lượng cho sản phẩm hạt tiêu, bởi tình trạng cung vượt cầu là nguyên nhân khiến giá hạt tiêu phục hồi chậm.
Theo ước tính, xuất khẩu hạt tiêu tháng 1/2019 đạt 15 nghìn tấn, trị giá 46 triệu USD, tăng 19,5% về lượng và tăng 13,5% về trị giá so với tháng 12/2018, nhưng giảm 12,8% về lượng và giảm 33,3% về trị giá so với tháng 1/2018 . Tháng 1/2019, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu đạt mức 3.067 USD/tấn, giảm 5,0% so với tháng 12/2018 và giảm 23,5% so với tháng 1/2018.
Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Hàn Quốc, năm 2018, mặc dù nhập khẩu hạt tiêu của Hàn Quốc từ Việt Nam giảm, nhưng Việt Nam vẫn là thị trường cung cấp hạt tiêu lớn nhất cho Hàn Quốc. Năm 2018, thị phần hạt tiêu Việt Nam chiếm 50,1% tổng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc, giảm so với 51,3% trong năm 2017.
Trên thị trường thế giới, giá hạt tiêu nhìn chung đã có sự phục hồi nhẹ trở lại do sức ép dư cung giảm. Hiệp hội hạt tiêu quốc tế dự báo, sản lượng hạt tiêu của các nước xuất khẩu chính trong năm 2019, gồm Việt Nam, Brasil, Indonesia và Ấn Độ sẽ giảm so với năm 2018. Trong đó, dự báo sản lượng hạt tiêu của Việt Nam năm 2019 sẽ đạt khoảng 175 nghìn tấn hạt tiêu đen và 25 nghìn tấn hạt tiêu trắng.