Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong 13 ngày đầu tháng 02/2020, giá hạt tiêu đen trong nước giảm so với tháng 01/2020. Giá hạt tiêu giảm khi giao dịch trầm lắng. Hạt tiêu Việt Nam đã bắt đầu vào vụ thu hoạch chính, do đó giá có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu tháng 01/2020 đạt 14,6 nghìn tấn, trị giá 35,85 triệu USD, giảm 11,6% về lượng và giảm 10,6% về trị giá so với tháng 12/2019, so với tháng 01/2019 giảm 23,9% về lượng và giảm 36,8% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu tháng 01/2020 đạt mức 2.443 USD/tấn, tăng 1,1% so với tháng 12/2019, nhưng giảm 17% so với tháng 01/2019.
Tháng 01/2020, xuất khẩu hạt tiêu sang nhiều thị trường giảm so với tháng 01/2019, như Mỹ, Ấn Độ, Các Tiểu vương Quốc Ả rập thống nhất, Thái Lan, Hàn Quốc, Anh. Ngược lại, xuất khẩu sang các thị trường tăng, như Pa-ki-xtan, Myanmar, Ả rập Xê út.
Cụ thể, xuất khẩu hạt tiêu sang Mỹ tháng 01/2020 đạt 2,8 nghìn tấn, trị giá 8,28 triệu USD, giảm 13,1% về lượng và giảm 7,1% về trị giá so với tháng 12/2019, so với tháng 01/2019 giảm 34% về lượng và giảm 36,8% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu sang Mỹ trong tháng 01/2020 đạt 2.948 USD/tấn, tăng 6,9% so với tháng 12/2019, nhưng giảm 4,2% so với tháng 01/2019.
Pakistan là thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn thứ 2 của Việt Nam trong tháng 01/2020, đạt 1.256 tấn, trị giá 2,6 triệu USD, tăng 173% về lượng và tăng 161,2% về trị giá so với tháng 12/2019, tăng 10,1% về lượng, nhưng giảm 12,2% về trị giá so với tháng 02/2019.
Trong khi đó, xuất khẩu hạt tiêu sang Myanmar tăng 40,8% về lượng và tăng 41,9% về trị giá so với tháng 12/2019, so với tháng 01/2019 tăng 238,5% về lượng và tăng 167% về trị giá, đạt 545 tấn, trị giá 1,15 triệu USD trong tháng 01/2020. Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu sang Myanmar đạt 2.125 USD/tấn, tăng 0,8% so với tháng 12/2019, nhưng giảm 21,1% so với tháng 01/2019.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam chịu tác động do phía Trung Quốc tạm thời đóng cửa các cửa khẩu biên giới đất liền nhằm kiểm soát dịch SARS-CoV-2. Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu sang Trung Quốc chủ yếu qua các cửa khẩu Lào Cai và Thanh Thủy (Hà Giang), chiếm lần lượt 55,9% và 31,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, mức độ tác động trong 2 tháng đầu năm 2020 chưa mạnh bởi theo dõi số liệu thống kê cho thấy, xuất khẩu hạt tiêu sang thị trường Trung Quốc thường tăng mạnh từ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm. Trong bối cảnh diễn biến của SARS-CoV-2 còn rất phức tạp, để hạn chế tác động từ dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng virus corona mới tới ngành hạt tiêu, doanh nghiệp cần có sự chuyển đổi hình thức giao nhận hàng, đẩy mạnh xuất khẩu theo đường biển, hay đường sắt liên vận
Trên thị trường thế giới, năm 2020, tình trạng dư cung được dự báo sẽ tiếp diễn, gây áp lực lên giá hạt tiêu. Dự báo giá hạt tiêu toàn cầu sẽ duy trì ở mức thấp trong 6 tháng đầu năm 2020. Năm 2020, diện tích trồng hạt tiêu từ năm 2016 - 2017 ở các nước sản xuất lớn đã đến lúc cho thu hoạch với sản lượng cao. Tuy nhiên, cuối năm 2020 giá hạt tiêu có thể phục hồi khi cung - cầu trở về mức cân bằng, nhiều doanh nghiệp tăng cường mua tích trữ. Bên cạnh đó, chất lượng hạt tiêu tăng lên và chi phí nhân công tăng cũng sẽ góp phần đẩy giá hạt tiêu.