Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Việt Nam hiện có khoảng 100.000ha hồ tiêu cho thu hoạch với năng suất trung bình khoảng 24,7 tạ/ha, tương đương sản lượng khoảng 247.000 tấn.
Tuy nhiên, trong khi giá hồ tiêu vẫn ở mức thấp thì chi phí sản xuất hồ tiêu lại tăng vọt, khoảng 10% so với năm 2017.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018, giá tiêu giảm đã ảnh hưởng đến ngành hồ tiêu Việt Nam, thời gian tới, xuất khẩu hồ tiêu sẽ tiếp tục phải đối mặt với khó khăn do giá ở mức thấp khi cung lớn hơn cầu và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới.
Xuất khẩu hồ tiêu sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới. (Ảnh minh họa: KT)
Hiện nay, nhu cầu hồ tiêu trên thế giới khoảng 510.000 tấn/năm, bình quân mỗi năm chỉ tăng 2 - 3%, trong khi sản lượng hồ tiêu thế giới tăng 8 - 10%. Năm 2018, sản lượng hồ tiêu toàn cầu đạt 557.000 tấn, dự kiến đến hết năm 2019 đạt khoảng 602.000 tấn.
Dự báo đến 2050, sản lượng hạt tiêu thế giới sẽ tăng lên 1 triệu tấn và nhu cầu tiêu dùng hạt tiêu thế giới cũng tăng lên, nhưng chưa cân đối với nguồn cung. Do đó, giá tiêu có thể còn mất ổn định trong một thời gian nữa.
Trong bối cảnh xuất khẩu hồ tiêu tiếp tục đối diện nhiều khó khăn và sức ép cạnh tranh lớn thì các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA được đánh giá là cơ hội mở rộng xuất khẩu cho ngành hồ tiêu.
Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, để có thể tận dụng tốt cơ mà các FTA mang lại, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về các Hiệp định để nắm vững cam kết giữa Việt Nam và các thị trường đối tác, đặc biệt là các thông tin về ưu đãi thuế quan, các yêu cầu về chất lượng, quy tắc xuất xứ hàng hóa.
Bên cạnh đó, để nâng cao giá bán hồ tiêu, ngành hồ tiêu cần đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng về chất lượng ngay từ khâu nguyên liệu để tạo ra sản phẩm chất lượng cao và có thể thâm nhập các thị trường khó tính trên thế giới.