Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản (gọi chung là ngành nông nghiệp) tháng 11 ước đạt 3,93 tỷ USD. Lũy kế 11 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp ước đạt 37,3 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp đã lấy lại được đà tăng trưởng và đến thời điểm này đã có 7 nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu giảm 0,7%, ước kim ngạch nhập khẩu đạt 28,5 tỷ USD đã giúp cho thăng dư thương mại toàn ngành lên tới 8,8 tỷ USD, cao hơn 1,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu lâm sản tăng 20,5%
Tính trong 11 tháng, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản giảm 5,2%; nhóm thủy sản giảm 1,2%; nhóm hàng lâm sản tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, kim ngạch xuất khẩu lâm sản tháng 11/2019 ước đạt 1,15 tỷ USD, tăng 20% so với với cùng kỳ 2018; lũy kế 11 tháng, đạt 10,24 tỷ USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ 2018. Xuất siêu lâm sản đạt 7,949 tỷ USD. Như vậy với kết quả này, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đã vượt xa kết quả của cả năm 2018 và sớm về đích so với mục tiêu đề ra từ đầu năm.
Hiện xuất khẩu lâm sản chiếm tỷ trọng 27,5% trong tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,64 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ 2018; lâm sản ngoài gỗ đạt 600 triệu USD, tăng 37% so cùng kỳ. Trong nhóm lâm sản ngoài gỗ, nhiều sản phẩm tăng trưởng rất ấn tượng: Quế đạt 163 triệu USD, tăng 31,0%; mây tre, cói đạt 437 triệu USD, tăng 44,4%...
Trong 11 tháng 2019, lâm sản Việt Nam được xuất khẩu sang trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường xuất khẩu lâm sản chính của Việt Nam, gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc, tổng giá trị xuất khẩu sang các thị trường này chiếm khoảng 87% tổng giá trị xuất khẩu lâm sản.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những tháng qua, bộ đã tập trung chỉ đạo các đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ thời tiết để điều hành sản xuất phù hợp; triển khai đồng loạt các giải pháp kiểm soát, khống chế dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, hạn chế tối đa thiệt hại, khắc phục hậu quả do thiên tai. Đồng thời, toàn ngành đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước, nước ngoài và mở rộng thị trường...
Nhiều mặt hàng đã tăng trưởng dương
Nhờ tích cực tháo gỡ rào cản và xúc tiến thương mại, nên nhiều mặt hàng nông sản sau những tháng suy giảm kim ngạch, thì nay đã dần lấy lại được đà tăng trưởng. Trong đó, cao su đạt 2,0 tỷ USD, tăng 9,3%; chè đạt 216 triệu USD, tăng 16,0%; rau đạt 592 triệu USD, tăng 9,0%; các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 638 triệu USD, tăng 6,5%.
Một số mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu giảm, gồm: Trái cây đạt 2,6 tỷ USD, giảm 5,5%; hạt điều, hạt tiêu và gạo mặc dù lượng xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2018 nhưng do giá xuất khẩu bình quân giảm mạnh nên kim ngạch giảm.
Cụ thể: xuất khẩu hạt điều đạt 3 tỷ USD, giảm 1,8% về giá trị, nhưng lượng tăng 23,6%; gạo đạt 2,6 tỷ USD, giảm 9,4% về giá trị, lượng tăng 4,8%; hạt tiêu đạt 677 triệu USD, giảm 5,8% nhưng lượng tăng 23,3%; cà phê đạt 2,5 tỷ USD, giảm 15,2% về giá trị và giảm 22,7% về lượng. Riêng nhóm hàng thủy sản trong 11 tháng đạt 7,9 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 21,3% trong toàn ngành nông lâm thủy sản.
Xét về thị trường, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất của các sản phẩm nông nghiệp, chiếm tỷ trọng 26,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; tiếp đến là Hoa Kỳ chiếm 21,9%; EU chiếm 11,7%; ASEAN chiếm 10,1%; Nhật Bản chiếm 8,8% và Hàn Quốc chiếm 5,8%.
Dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp cả năm 2019 sẽ đạt khoảng 41,3 tỷ USD; thặng dư thương mại ước khoảng 9,5 - 10 tỷ USD. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của năm 2019, toàn ngành nông nghiệp tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để phòng chống thiên tai, khống chế dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi đảm bảo ổn định sản xuất nông lâm thủy sản, đảm bảo cân đối cung cầu cuối năm.
Đồng thời, đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm, thủy sản, đẩy mạnh trồng rừng mới tập trung và khai thác gỗ; đẩy mạnh xuất khẩu; tăng cường công tác quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, Bộ trưởng chỉ đạo triển khai mọi biện pháp để kiểm soát dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi, bệnh lở mồm long móng; hướng dẫn các địa phương áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để tái đàn, mở rộng quy mô đàn lợn ở các vùng, các cơ sở chưa có dịch và có đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học.
Theo dõi sát nguồn cung và giá các loại sản phẩm chăn nuôi, nhất là mặt hàng lợn thịt để thông tin tới người sản xuất và tiêu dùng biết, tránh hiện tượng găm hàng, đẩy giá lên cao bất thường, gây bất ổn thị trường; đồng thời, chỉ đạo tập trung nguồn lực cho công tác bình ổn mặt hàng thịt lợn trong dịp Tết Canh Tý...