Sự suy giảm này càng nghiêm trọng hơn khi các doanh nghiệp dệt may đang phải chịu áp lực lớn từ lãi suất ngân hàng tăng, giá mua nguyên phụ liệu và duy trì công ăn việc làm cho người lao động...
Thông thường trong 3 tháng cuối năm, ngành dệt may luôn ở trạng thái thiếu đơn hàng. Tình trạng này càng thêm trầm trọng trong năm 2022, do các quốc gia trên thế giới đối mặt với tình trạng lạm phát cao, người tiêu dùng chỉ ưu tiên chi tiêu cho những hàng hóa thiết yếu thay vì mua sắm hàng dệt may.
KHÓ KHĂN CÓ THỂ KÉO DÀI ĐẾN HẾT QUÝ 1/2023
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, trong 6 tháng đầu năm, lượng đơn hàng đạt kết quả tích cực cả về xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, nửa cuối năm, lạm phát tăng một số thị trường xuất khẩu quan trọng khiến sức mua hàng dệt may có xu hướng giảm.
Nguyên nhân là do kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng thấp do cuộc xung đột Nga – Ukraine kéo dài. Áp lực lạm phát đã dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng và chi tiêu cho mặt hàng may mặc giảm. Theo một khảo sát, có tới 40% người dân Mỹ cho biết sẽ cắt giảm chi tiêu cho mặt hàng quần áo.
"Từ tháng 7, 8 thông tin về thị trường xuất khẩu "lạnh" đột ngột khiến đơn hàng giảm sút. Thị trường hàng may mặc dự báo trầm lắng hết quý 4/2022 và sẽ kéo dài sang năm 2023", ông Việt cho biết.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10
Cũng trong tình trạng tương tự, ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn May Hồ Gươm cho biết, thông thường trong 3 tháng cuối năm, ngành dệt may luôn ở trạng thái thiếu đơn hàng. Năm nay tình trạng càng thêm trầm trọng, do các quốc gia đối mặt với tình trạng lạm phát cao, sức mua giảm, giá năng lượng tăng, giá thực phẩm tăng, người tiêu dùng họ sẽ ưu tiên cho những chi phí thiết yếu còn quần áo thì ưu tiên thứ 3 hoặc thứ 4.
"Đơn hàng của May Hồ Gươm sụt giảm nhiều, có nhà máy đơn hàng giảm tới 60% phải cho người lao động nghỉ thứ 7 và Chủ nhật và không tăng ca, thêm giờ", ông Phí Ngọc Trịnh thông tin.
Ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn May Hồ Gươm
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp dệt may lại gặp khó khăn về dòng tiền, bởi các đối tác thường thanh toán chậm 3-4 tháng, trong khi trước khi giao hàng doanh nghiệp phải mua nguyên phụ liệu của Trung Quốc và phải trả tiền ngay.
Vì vậy, doanh nghiệp phải vay vốn với lãi suất cao để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu mua và chuẩn bị nguyên vật liệu cho các kỳ sản xuất năm 2023 cũng như duy trì công ăn việc làm cho người lao động.
"Ngành dệt may xác định tinh thần sẽ phải khó khăn đến hết Tết Nguyên Đán, thậm chí cuối tháng 3 mới ổn định được" ông Trịnh dự báo.
NỖ LỰC VƯỢT KHÓ, CHỜ TÍN HIỆU PHỤC HỒI
Tại thời điểm hiện tại, ông Phí Ngọc Trịnh cho biết, doanh nghiệp đã nỗ lực tập trung trung tìm kiếm các đơn hàng ở mọi thị trường trong nước và nước ngoài, thậm chí có những đơn hàng nhận xong biết là lỗ nhưng vẫn nhận để cho công nhân làm việc ổn định.
"Người lao động gắn bó với doanh nghiệp cả một năm. Trong khi Tết gần đến rồi, nếu doanh nghiệp không lo công việc và tiền lương cho họ thì người lao động rất khó khăn", ông Trịnh chia sẻ.
Bên cạnh sự nỗ lực của bản thân doanh nghiệp, ông Trịnh đề xuất đề xuất Chính phủ nên xem xét kéo dài tới hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả thiết thực trong giai đoạn đại dịch COVID-19, như: chính sách giảm 2% thuế VAT, chậm đóng bảo hiểm từ 1-3 tháng...
"Nếu được hỗ trợ, doanh nghiệp sẽ có một nguồn tiền để lo cho người lao động vào dịp Tết Nguyên Đán thay vì phải đi vay ngân hàng với lãi suất cao", ông Trịnh mong muốn.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang, các doanh nghiệp dệt may đang ở trong giai đoạn khó khăn và chịu áp lực rất lớn. Việc sụt giảm các đơn hàng trong tháng 11-12 năm nay và có thể còn kéo dài đến quý 1/2023, mức bình quân giảm từ 25-27%, nhất là đối với các doanh nghiệp làm hàng gia công.
"Sự suy giảm này càng nặng hơn khi các doanh nghiệp dệt may phải chịu áp lực lớn từ lãi suất ngân hàng tăng, giá mua nguyên phụ liệu và tỷ giá chênh lệch…", ông Giang nêu rõ.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS)
Trong bối cảnh đó, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp dệt may hiện nay là vấn đề lao động, bởi lao động là tài sản số một của doanh nghiệp, trên cả thiết bị công nghệ, nhà xưởng nên dù trong bối cảnh sụt giảm đơn hàng, các doanh nghiệp vẫn phải gắng gượng để giữ chân lao động.
"Nhiều đơn vị đã phải chuyển từ sản xuất may mặc sang làm túi xách cho các siêu thị để có công việc cho người lao động. Dù năng suất không cao nhưng doanh nghiệp vẫn giữ chân được người lao động trong khi chờ tín hiệu phục hồi", ông Giang nhìn nhận.
Thời gian tới, Hiệp hội Dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các chương trình kết nối các doanh nghiệp trong nước cũng như với các doanh nghiệp FDI hình thành chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường xuất khẩu; phối hợp với các tổ chức quốc tế lớn uy tín triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về quản trị, chuyển đổi xanh, công nghệ mới, thiết kế, xây dựng thương hiệu…
Bên cạnh đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam sẽ thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt giao lưu, quảng bá hình ảnh; truyền tải kịp thời thông tin về ngành, kinh tế - xã hội trong nước và thế giới đến các hội viên.
Năm 2023, Hiệp hội tiếp tục kiến nghị lên Chính phủ và các bộ, ngành, cân nhắc việc giảm thuế hoặc hoãn giãn thuế cho doanh nghiệp. Cùng với đó, tìm các nguồn tài chính cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp để duy trì sản xuất, giữ ổn định lao động.
"Riêng đối với lãi suất ngân hàng, Hiệp hội kiến nghị Nhà nước có thể cân nhắc với một số lĩnh vực ngành hàng có xuất khẩu lớn, thặng dư thương mại cao, giải quyết việc làm, thì giữ mức lãi suất hợp lý để khuyến khích doanh nghiệp duy trì, giữ ổn định lao động, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn", ông Vũ Đức Giang kiến nghị.