DN phá sản, lao động học xong chỉ biết... chờ
Trúng tuyển đơn hàng sang Nhật Bản làm việc trong ngành cơ khí, sau đó hoàn thành đầy đủ các chương trình đào tạo và xin được tư cách lưu trú vào tháng 6/2020, song đến nay anh Lê Xuân Tú (Kỳ Sơn, Nghệ An) vẫn chưa thể xuất cảnh do các đợt dịch COVID-19 bùng phát.
Anh Tú cho biết, anh chỉ là một trong gần 40 lao động của đơn hàng cơ khí phải chờ đợi hơn một năm nay. Thậm chí, có lao động phải chờ 2 năm vẫn chưa thể xuất cảnh được. “Lịch bay mù mờ nên chẳng làm được việc gì khác. Trong khi các khoản tiền ăn học, chi phí hàng trăm triệu đồng, tôi phải đi vay mượn và trả lãi ngân hàng hằng tháng khiến cả gia đình rất áp lực”, anh Tú chia sẻ.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nghiêm Quốc Hưng, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Cung ứng nhân lực Hoàng Long cho biết, sau một thời dài phía Nhật dừng nhập cảnh lao động từ Việt Nam, số lao động “tồn đọng” chờ xuất cảnh khá lớn. “Cty chúng tôi có đến vài trăm lao động đã làm xong hết các giấy tờ nhưng chưa thể đi được. DN rất đồng cảm với tâm lý của người lao động, nên liên tục động viên và chuyển sang đào tạo trực tuyến giúp họ không bị quên tiếng Nhật và tay nghề. Chỉ cần phía Nhật mở cửa trở lại là xuất cảnh luôn”, ông Hưng nói.
Ông Hưng cho rằng, dịch bệnh kéo dài khiến DN phái cử lao động gần như kiệt quệ. DN không có doanh thu trong khi các chi phí vận hành mỗi tháng hàng trăm triệu đồng phải trả.
Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, trong tháng 9, cả nước chỉ có 776 lao động đi làm việc ở nước ngoài (bằng 22,12% so với cùng kỳ năm ngoái) nâng tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong 9 tháng là 42.818 lao động (đạt 47,57% kế hoạch năm 2021). Trong đó, chủ yếu là thị trường Nhật Bản và Đài Loan với khoảng 19.000 lao động/thị trường, Trung Quốc 1.425 lao động, Hàn Quốc 702 lao động, Rumani 609 lao động…
Theo ông Hưng, hiện phía Nhật bắt đầu dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và 18 tỉnh, từng bước chuyển sang giai đoạn bình thường mới. Các DN tại nước này đang quay trở lại sản xuất nên nhu cầu tuyển dụng lao động rất cao, đặc biệt là trong ngành y tế, điều dưỡng… Tuy nhiên, cái khó là so với các nước trong khu vực, tỷ lệ và tốc độ tiêm vắc xin của Việt Nam vẫn còn chậm nên phía Nhật cũng e ngại hơn. Nhiều DN đã chuyển sang ưu tiên lao động ở các nước kiểm soát dịch tốt hơn như Thái Lan, Indonesia.
“Khó khăn lớn nhất hiện nay là việc tuyển lao động mới. Đa phần người lao động đều đang sợ dịch bệnh nên không dám ra nước ngoài làm việc. Việc di chuyển giữa các tỉnh, thành phố còn hạn chế, khiến hoạt động tuyển dụng của DN ở các địa phương xem như dừng hoàn toàn. DN phái cử lao động vừa đang tắc cả đầu vào lẫn đầu ra”, ông Hưng chia sẻ.
Dự kiến nối lại thị trường trong tháng 11
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, sau đợt mở cửa lại vào đầu tháng 9/2020, phía Nhật tạm dừng cấp visa mới cho lao động Việt Nam từ đầu năm nay. Đến nay, hoạt động này “đóng băng” liên tục hơn 8 tháng khiến DN và người lao động gặp rất nhiều khó khăn; Chỉ có chương trình đưa ứng viên điều dưỡng hộ lý đi làm việc theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) thông qua cục vẫn diễn ra.
Ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, từ 1/10, Nhật Bản bắt đầu nới lỏng các quy định về cách ly đối với những người nước ngoài nhập cảnh đã tiêm ngừa COVID-19, gồm 3 loại vắc xin Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca. Các trường hợp đã được tiêm phòng COVID-19 khi nhập cảnh Nhật Bản chỉ cần cách ly tại nhà trong 10 ngày, giảm 4 ngày so với quy định trước đó. Tuy nhiên, đối với thực tập sinh Việt Nam đến nay phía Nhật chưa có lịch nhập cảnh cụ thể. Dự kiến, sớm nhất là trong tháng 11, hai bên sẽ nối lại thị trường tùy thuộc vào kiểm soát dịch bệnh và tốc độ tiêm vắc xin ở Việt Nam.