Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), từ đầu năm 2018 đến nay, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Italy giảm liên tục. Giá trị xuất khẩu nhóm sản phẩm này của Việt Nam sang Italy chỉ dao động ở mức 2,7 – 4,1 triệu USD. Italy vẫn đang là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam trong khối EU, chiếm 49% tổng xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang EU.
Nguồn: VASEP.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Italy trong tháng 10/2018 đạt gần 4 triệu USD, tăng 11,7% so với tháng 9/2018 tuy nhiên vẫn giảm 22% so với cùng kỳ năm 2017. Lũy kế 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang thị trường này đạt 34,4 triệu USD, giảm 33,2% so với cùng kỳ năm 2017. Nguyên nhân là do xuất khẩu mực tươi sống và đông lạnh của Việt Nam sang thị trường này giảm.
Trong cơ cấu xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Italy, mực chiếm ưu thế hơn so với bạch tuộc. Năm 2017, mực chiếm 84% tổng giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Italy. Mười tháng đầu năm nay, mực chiếm tỷ trọng 72,5%. Trong các sản phẩm mực xuất sang Italy, thị trường này ưa chuộng sản phẩm mực sống/tươi/đông lạnh (thuộc mã HS03).
Hiện Italy cũng đang giảm nhập khẩu mực, bạch tuộc từ các nước. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), 8 tháng đầu năm 2018, Italy đã nhập khẩu 63,5 triệu USD, giảm 11,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Mực đông lạnh/hun khói/ướp muối và bạch tuộc tươi/sống/ướp lạnh là 2 sản phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng nhập khẩu mực, bạch tuộc vào Italy tuy nhiên giá trị nhập khẩu 2 nhóm hàng này trong 8 tháng đầu năm nay lại giảm. Đáng chú ý, nhập khẩu bạch tuộc hun khói, đông lạnh, khô, ướp muối hoặc ngâm muối vào Italy tăng trưởng tốt nhất 31% so với các sản phẩm còn lại.
So với cùng kỳ năm 2017, giá trung bình nhập khẩu mực, bạch tuộc vào Italy vẫn cao hơn từ 13 – 29% do đó các nhà nhập khẩu Italy hạn chế mua vào. Nguồn cung nguyên liệu khan hiếm nên nhập khẩu mực, bạch tuộc của Italy từ các nguồn cung chính đều giảm. Italy hiện đang nhập khẩu mực, bạch tuộc từ 23 nước trên thế giới. Trong đó, phần lớn nguồn cung mực, bạch tuộc cho Italy là từ các nước trong nội khối, đứng đầu là Tây Ban Nha. Còn Indonesia, Peru và Việt Nam là 3 nguồn cung mực, bạch tuộc lớn nhất ngoài khối EU cho thị trường Italy.
Năm nay, việc Việt Nam bị cảnh báo thẻ vàng IUU đã làm giảm xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Italy. VASEP dự báo, do nguồn cung mực, bạch tuộc trên thế giới vẫn chưa cải thiện nên giá mực, bạch tuộc chưa có xu hướng hạ nhiệt điều này ảnh hưởng lớn tới nhu cầu tiêu thụ mực, bạch tuộc tại Italy. Và do vậy, nhập khẩu mực, bạch tuộc của nước này sẽ tiếp tục giảm.