Kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp (nông, lâm, thủy sản) 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 26,58 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến thời điểm này, ngành nông nghiệp vẫn đạt xuất siêu 6,04 tỷ USD, tăng 661,6 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong 8 tháng đầu năm 2019, mặc dù sản xuất nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn do hạn hán, dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng, nhưng vẫn tăng về sản lượng. Cụ thể, sản lượng lúa thu hoạch đạt khoảng 26,7 triệu tấn, tăng 2,3%; đàn bò tăng 2,4%, gia cầm tăng 10%; sản lượng khai thác gỗ tăng 4,3%; sản lượng thủy sản tăng 5,7% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu lâm sản tăng 16,8%
Về kim ngạch xuất khẩu, 8 tháng đầu năm, kim ngạch nhóm nông sản chính giảm 8,3%; nhóm lâm sản tăng 18,6%; thủy sản giảm 1,2%. Trong đó, một số mặt hàng có kim ngạch tăng như cao su đạt 1,32 tỷ USD, tăng 7,8%; chè đạt 150 triệu USD, tăng 22,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,66 tỷ USD, tăng 17,5%; quế đạt 107 triệu USD, tăng 19,3%; mây tre, cói đạt 311 triệu USD, tăng 48,1%.
Về thị trường, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 8,9% so với cùng kỳ, nhưng xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng tới 12,6%. Do vậy, Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam, chiếm tỷ trọng 20,8% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành; tiếp đến là EU chiếm 12,0%; ASEAN chiếm 9,5%; Nhật Bản chiếm 8,4%.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, kim ngạch xuất khẩu lâm sản tháng 8/2019 ước đạt 1,031 tỷ USD, tăng 16% so với với cùng kỳ, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 7,08 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm khoảng 26,6% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành.
Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 6,66 tỷ USD. Xuất siêu lâm sản đến thời điểm này đạt 5,402 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu lâm sản hiện nay chủ yếu vẫn là Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản cả nước.
Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu ở thị trường Hoa Kỳ là đồ gỗ nội thất, đồ gỗ xây dựng, gỗ dán, ghép thanh. Còn với thị trường Nhật Bản, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là dăm gỗ, đồ gỗ nội thất, đồ gỗ xây dựng, gỗ ván dán, ghép thanh, viên nén.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm 1,2%
Kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng thủy sản trong 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 5,52 tỷ USD, giảm 1,2%, chiếm 20,8% (tỷ trọng giảm 0,5 điểm phần trăm). Trong đó, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc giảm tới 3%.
Theo thông báo từ một số tỉnh, thành tại Việt Nam có biên giới tiếp giáp với Trung Quốc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai... hiện xuất khẩu thủy hải sản vào thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.
Báo cáo của các ngành chức năng tại khu vực biên giới, hiện vẫn còn nhiều lô hàng thủy sản tồn đọng tại khu vực cửa khẩu Móng Cái không thể thông quan, như tôm Khánh Hòa trên 129 tấn; mực, cá từ Vũng Tàu trên 34 tấn; cá chỉ vàng Tiền Giang xấp xỉ 60 tấn; tép khô Phan Thiết 14 tấn...
Thời gian qua, các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã ban hành nhiều quy định mới về quản lý nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; quy cách, nội dung thông tin sản phẩm trên tem nhãn; quy cách đóng gói hàng hóa, kiểm dịch; kiểm định chất lượng sản phẩm đối với thủy sản nhập khẩu.
Các sản phẩm của Việt Nam chưa nhận được chấp nhận kiểm dịch tại Trung Quốc sẽ không được giao dịch biên mậu, cụ thể là các sản phẩm thủy hải sản (sứa, cá biển...), nguyên liệu từ bột xương, rong biển và dược liệu.
Cũng theo quy định từ phía Trung Quốc, tất cả các sản phẩm cá nuôi hoặc đánh bắt từ biển (từ hải sản ướp đá), đều phải được lấy từ các công xưởng có đăng ký doanh nghiệp Việt Nam, khi khai báo hải quan phải xuất trình chứng thư về thủy sản do Nhà nước Việt Nam cấp. Phía Trung Quốc cũng thông báo một số nội dung liên quan đến quản lý, giám sát hàng hóa, đặc biệt là tăng cường quản lý về kiểm dịch.
Cơ quan chức năng Trung Quốc sẽ không cho phép khai báo hải quan, không phê duyệt kiểm dịch và không cho phép nhập khẩu đối với các mặt hàng nông sản thực phẩm không có trong danh mục chuẩn kiểm dịch. Theo Tổng cục Thủy sản, hiện danh mục hàng thủy sản Việt Nam được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc qua lối mở/cặp chợ là 137 loại.
Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong 4 tháng cuối năm, thương mại toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục suy giảm và dòng vốn đầu tư toàn cầu tiếp tục chịu ảnh hưởng từ những yếu tố rủi ro bởi chính trị, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế chủ chốt...
Bên cạnh đó, xuất khẩu nông sản chịu áp lực cạnh tranh lớn và sự gia tăng các rào cản thương mại, nhất là từ thị trường Trung Quốc trong bối cảnh giá xuất khẩu một số nông sản chủ lực vẫn còn xu hướng giảm.
Để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng, hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định; đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu về truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu.