Cụ thể, xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 30%, Asean tăng 24,2%, Nhật bản tăng 14,8%... Khu vực thị trường lớn là EU giữ vững mức tăng trưởng, thậm chí tăng ấn tượng như xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 61,5%. Nhìn chung, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nhựa tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu ở những thị trường truyền thống và phát triển quy mô tại các thị trường tiềm năng.
Trung bình, trong 5 năm qua, kim ngạch xuất khẩu của các DN nhựa phục hồi mạnh mẽ, duy trì mức tăng trưởng trung bình 8%. Hiện sản phẩm nhựa Việt Nam đã có mặt tại hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ và xây dựng được vị trí khá chắc chắn tại các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, Đức… Nhật Bản là thị trường lớn nhất của DN xuất khẩu nhựa Việt Nam với tỉ trọng 26%, kế đến là Mỹ với 11%, Đức 7%...
Doanh nghiệp nhựa giới thiệu sản phẩm tại một triển lãm chuyên ngành
Mặc dù xuất khẩu khả quan nhưng đến nay, phần lớn các mặt hàng xuất khẩu đều chưa xây dựng được thương hiệu riêng. Năng lực cạnh tranh của DN nhựa Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung còn thấp, chịu cạnh tranh lớn từ DN nước ngoài dẫn đến một số mặt hàng thuộc lĩnh vực nhựa gia dụng trong nước bị ảnh hưởng do tác động của việc mở cửa thị trường, dẫn đến tình trạng nhập khẩu thành phẩm tăng mạnh, cạnh tranh trực tiếp với sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu duy trì ở mức tăng trưởng cao tập trung chủ yếu ở hóm hàng do khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sản xuất. Nhóm này mặc dù chiếm tỉ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nhưng chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa, chưa kéo nhiều DN trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tính đến cuối năm 2017, ngành nhựa có khoảng 2.000 DN, trong đó gần 84% DN tập trung ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu; miền Bắc chiếm 14,22% và miền Trung gần 2%.
Các sản phẩm thế mạnh của DN nhựa Việt Nam gồm bao bì, sản phẩm tiêu dùng, nhựa xây dựng và nhựa kỹ thuật. Do vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu (80% - 85%) nên ngành nhựa vẫn duy trì nhập siêu trong nhiều năm qua. Trung bình từ năm 2012-2017 đã nhập siêu trên 4 tỉ USD.
Ông Hồ Đức Lam tái đắc cử Chủ tịch PVAS Sáng 11-4, Đại hội PVAS nhiệm kỳ VI (2018 – 2023) đã tín nhiệm bầu ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch tịch PVAS nhiệm kỳ 2012-2017, tiếp tục giữ vai trò chủ tịch PVAS nhiệm kỳ mới. Ông Hồ Đức Lam hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP nhựa Rạng Đông. Đại hội cũng thông qua phương hướng và và nhiệm vụ hoạt động nhiệm kỳ mới. Theo đó, định hướng phát triển ngành nhựa theo hướng hiện đại, tăng cường tự động hóa, từng bước thay thế thiết bị công nghệ cũ bằng thiếu bị công nghệ tiên tiến, hiện đại. PVAS xác định đầu tư phát triển ngành nhựa cần đi thẳng vào công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ, đủ sức cạnh tranh… |