Giá tăng, lật kèo
Những ngày này, đại diện Cty Cổ phần Banana Brothers Farm (chuyên xuất khẩu chuối chất lượng cao ở Đắk Lắk) cho biết, DN như đang ngồi trên đống lửa vì hàng tấn chuối đến vụ thu hoạch không thể nào xuất đi được. Mặc dù, đối tác thu mua bên kia bên giới đang trông chờ hàng từ Việt Nam sang từng ngày.
Theo vị này, hàng nông sản xuất sang Trung Quốc không những tắc đường bộ, mà xuất bằng đường biển cũng không được, vì thì thiếu container lạnh trầm trọng. Trước đây, giá mỗi container lạnh chở hàng xuất sang Trung Quốc vào khoảng 1.700-1.800 USD (40-42 triệu đồng), nay đã tăng lên 6.000 USD (140 triệu đồng).
Cảng biển Quy Nhơn những ngày đầu năm 2022 với giá cước vận tải biển tàu quốc tế tăng chóng mặt Ảnh: Ngọc Nam
“Giá tăng lên 3-4 lần, nhưng DN không thuê được. Các hãng tàu còn không mặn mà với quãng đường từ Việt Nam sang Trung Quốc. Hôm qua (6/1), có hãng tàu thông báo tăng thêm 1.200 USD/container. Nếu đồng ý, họ đưa container vào, còn không để đưa sang nước khác”, vị này nói.
Theo đại diện Công ty Cổ phần Banana Brothers Farm, hiện nhiều loại nông sản bước vào vụ thu hoạch chính. Sang tháng 2, tháng 3; nhu cầu về container lạnh của DN còn lên cả trăm chuyến. “Cứ tình hình này, DN lo mất Tết. Một số đơn vị có kho lạnh, nông sản thu hoạch xong chưa xuất được còn tạm yên tâm. Nhưng với nông dân, mỗi hộ có khoảng vài ha chuối, mít…thu hoạch xong không biết để đâu. Thậm chí, giờ đây, bà con ở một số nơi còn chấp nhận thua lỗ, vì muốn thuê container nhưng cũng không có”, vị này cho hay.
Người dân đang đứng ngồi không yên khi chuối đến mùa thu hoạch nhưng không có container lạnh để xuất khẩu |
Ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit cho biết, suốt mấy tháng nay, hàng loạt đơn hàng của DN liên tục bị trễ hẹn với cùng lý do trên. DN đặt vỏ container lạnh trước 1 tháng và đối tác báo có. Thế nhưng, khi hàng đã đóng thùng và DN đến lấy vỏ container, thì hãng tàu bất ngờ thông báo hết.
Ông Võ Duy Thắng, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải Việt Nam) cho rằng, giá cước vận tải phụ thuộc vào cung cầu trong khi cầu lớn mà cung hạn chế nên giá cước bị đẩy cao. Hiện tại, những thị trường quan trọng như châu Âu, Trung Quốc biến động, ảnh hưởng đến vận tải. Giá cước khó dự đoán trong thời gian tới. “Các nước châu Á như Thái Lan, Singapore… cũng chịu giá cước đang điên loạn”, ông Thắng nói.
“Thật sự không phải thiếu vỏ container mà do có tình trạng đầu cơ. DN phải chi thêm 500-1.000 USD, các hãng tàu mới “nhả” vỏ container ra. Các cửa khẩu đang siết rất chặt, DN không dám xuất khẩu thông qua đường bộ, giờ đường biển còn gặp tình trạng này nữa, DN tắc đủ bề”, ông Huy nói.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng, tình trạng thiếu container lạnh không chỉ xảy ra ở tuyến Việt Nam - Trung Quốc, mà các DN xuất hàng đi Mỹ và các nước khác cũng đang thiếu trầm trọng.
Theo ông Nguyên, từ khi xảy ra dịch COVID-19, nhiều DN Trung Quốc đã nhanh tay trả thêm phí cho các hãng tàu để đưa container lạnh về nên lượng container tập trung ở nước này lớn. Còn ở bên Mỹ, do thiếu nhân công nên hàng cập cảng bị ùn tắc, container rỗng không trở về được.
“Hiện nay, muốn có container để đưa hàng bằng đường biển sang Trung Quốc, DN phải nhận chuyển lại của những người đã đặt trước đó không đi. Các lô hàng xuất bằng đường biển cũng được kiểm tra rất gắt gao”, ông Nguyên nói. Ông cho rằng, sắp tới, nếu các cửa khẩu mở ra, Trung Quốc vẫn duy trì chính sách “Zero COVID”, hàng nông sản thông quan tiếp tục nhỏ giọt.
“Sẽ có một lượng rau quả lớn chuyển sang đường biển nên nếu không có giải pháp xử lý sớm, hoạt động xuất khẩu trong năm 2022 sẽ rất khó. Các bộ ngành, địa phương cần quan tâm đến tàu chở container đông lạnh, mời gọi đội tàu thuê riêng phục vụ xuất khẩu lâu dài cho hàng nông sản Việt”, ông Nguyên nói.
Giá cước cao hơn trị giá hàng hoá
Theo một lãnh đạo Cty Cổ phần Cảng Quy Nhơn cho biết, hiện tại, các hãng tàu nước ngoài nắm chi phối phần lớn thị phần vận tải biển quốc tế tại Việt Nam. “Việc họ điều chỉnh giá theo cung cầu của thị trường và ý đồ của họ. Giá cước vận tải so với cuối năm 2020 đầu năm 2021 tăng mạnh lên tới 300- 400%”, vị này nói.
Vị này chia sẻ, năm 2020, một container nông sản đi Trung Quốc khoảng 900 - 1.200 USD/container giờ lên tới 7.000 USD/container. Thậm chí, giá cước một số hàng nông sản, hàng trị giá thấp chỉ khoảng 7.000- 8.000 USD/container nhưng xuất đi Mỹ với giá cước lên tới 19.000- 20.000 USD/container.
“Cước vận tải biển đáng ra chỉ chiếm một phần nhỏ trong chi phí logistics và giá thành sản phẩm nhưng hiện nay đã tăng gấp nhiều lần. Giờ đây, cước vận tải cao hơn trị giá hàng hoá”, vị này cho hay.
Ngoài ra, cũng lãnh đạo Cty Cổ phần Cảng Quy Nhơn cho biết thêm, các chủ hàng còn đối mặt việc không có container đóng hàng và chỗ trên tàu đi. Nguyên nhân là chủ tàu ưu tiên tuyến dài, tuyến gần không ưu tiên tàu.
Theo vị này, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản và nhiều cuộc họp yêu cầu các hãng tàu cung cấp giá cước vận tải nhưng kết quả chưa đạt được. “Về Luật hàng hải, họ đang chấp hành đúng; về giá họ cho rằng, theo cung cầu. Thực sự cầu đang vượt cung. Việc điều chỉnh giá tăng, họ cũng lợi dụng chuyện này đưa lên cao quá mức so với ngưỡng chi phí họ bỏ ra. Hiện, nếu tính các chi phí như phòng dịch...thì giá cũng không đến mức kinh khủng như hiện nay”, lãnh đạo Cty Cổ phần Cảng Quy Nhơn nói.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, trong bối cảnh các sản phẩm trái cây như thanh long, xoài, dưa hấu, mít… đang gặp khó trong tiêu thụ qua đường bộ. Đường biển lại thiếu vỏ container. Các DN cần tăng cường khai thác thị trường nội địa, kết nối giữa người sản xuất với những nhà bán lẻ.
Ông Nam cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương phía Nam kết nối với đơn vị vận tải logistics tại cảng Cát Lái để tháo gỡ vấn đề thiếu container lạnh, thúc đẩy xuất khẩu nông sản qua đường biển; đồng thời đề nghị các đơn vị kiểm dịch thực vật hỗ trợ các thủ tục cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản bằng đường biển.
Theo ông Nam, ngày 7/1, Bộ NN&PTNT có văn bản đề nghị Bộ GTVT phối hợp giải quyết vướng mắc trong vận tải biển và ưu tiên container lạnh phục vụ xuất khẩu nông sản.