Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), ước tính 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 24,14 tỉ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, các mặt hàng nông sản chiếm 13,11 tỉ USD, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm ngoái, là nhóm hàng tăng trưởng xuất khẩu cao nhất.
Rủi ro sầu riêng, hạt điều
Đặc biệt, xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm mang về 2,59 tỉ USD, tăng 28,1%, với sự đóng góp tích cực của ngành hàng sầu riêng. Tuy nhiên, nghịch lý là nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành lại đang thua lỗ, có DN đã phải rời thị trường vì không gồng nổi.
Phát biểu tại một hội nghị mới đây, bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, nói chỉ có nhà vườn trồng sầu riêng lãi lớn chứ nhiều DN thu mua và xuất khẩu lại đang thua lỗ, có DN mất đến cả trăm tỉ đồng vì tình trạng tranh mua tranh bán, phá vỡ các giao kèo khi giá sầu riêng tăng.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, có chủ DN lớn, là lãnh đạo của hội ngành hàng sầu riêng của một tỉnh Đông Nam Bộ và rất tâm huyết với loại quả này đã âm thầm chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác cũng vì tình trạng nói trên.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thừa nhận thực tế ngành xuất khẩu sầu riêng những năm qua nhà vườn lãi lớn, còn DN thua lỗ khá nhiều, đến mức không đóng nổi phí hội viên.
"Hiện nay, thương nhân Trung Quốc tham gia khá sâu vào ngành sầu riêng bằng cách tổ chức hệ thống thu mua ngay tại Việt Nam và giám sát thường xuyên bằng visa du lịch. Ưu thế của họ là có thị trường, có vốn lớn nên "mua tận gốc, bán tận ngọn", DN Việt Nam rất khó cạnh tranh. Đây có thể là vấn đề lớn nếu DN Việt Nam không chủ động được thị trường, nhất là khi nguồn cung tăng" - ông Nguyên đặt vấn đề.
Với ngành điều, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt điều nhân ước đạt 1,55 tỉ USD, tăng 19,3% về giá trị. Các DN chế biến và xuất khẩu ngành này cũng gặp không ít khó khăn khi phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu (chiếm hơn 90%).
Ông Vũ Thái Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Long Sơn, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước - thông tin các DN điều Việt Nam đang gặp vấn đề lớn khi giá nguyên liệu tăng cao, các nhà xuất khẩu châu Phi hủy hợp đồng giao hàng để bán lại với giá cao hơn.
"Đầu năm, nhiều DN dự báo nguyên liệu dồi dào, giá rẻ nhưng không ngờ châu Phi mất mùa nặng. Đầu tháng 5, Bờ Biển Ngà tạm dừng xuất khẩu điều thô để hỗ trợ các nhà sản xuất nội địa. Đây là thị trường cung cấp khoảng 1/3 nguyên liệu cho Việt Nam nên mức độ ảnh hưởng khá lớn. Tình hình xuất nhập khẩu điều từ nay đến cuối năm sẽ khó khăn vì chuỗi cung ứng bị đứt gãy" - ông Sơn nhận định.
Ông Nguyễn Minh Họa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), dự báo nếu các nhà cung cấp nguyên liệu còn tiếp tục "bẻ kèo" thì đến cuối quý III sẽ xảy ra hàng loạt vụ tranh chấp hợp đồng giữa DN Việt Nam và các nhà mua điều nhân quốc tế. Nguyên nhân là do DN Việt Nam không có đủ nguyên liệu giá cũ để thực hiện hợp đồng xuất khẩu đã ký trước đó.
Do đó, bên cạnh việc có văn bản kiến nghị Chính phủ, các cơ quan liên quan tác động để phía Bờ Biển Ngà gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu điều thô, Vinacas kiến nghị Bộ NN-PTNT quan tâm phát triển vùng nguyên liệu điều, nghiên cứu bộ giống điều mới cải thiện về năng suất, chất lượng để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
Xuất hiện bất ổn
Với ngành gạo, dù số liệu xuất khẩu vẫn sáng, thị trường vẫn tốt với kim ngạch 5 tháng đầu năm ước đạt 2,65 tỉ USD, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm ngoái; giá gạo xuất khẩu bình quân 638 USD/tấn, tăng 20,5%. Tuy nhiên, một số vấn đề bất ổn đang xuất hiện khi các DN gạo thua lỗ xuất hiện ngày càng nhiều, nợ tiền lúa của nông dân và gần đây nhất là vụ DN bỏ thầu giá thấp để có được hợp đồng xuất khẩu gạo sang Indonesia có thể gây thiệt hại cho ngành lúa gạo.
Như trường hợp Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, một DN lớn trong ngành nông nghiệp, báo lỗ ròng 96 tỉ đồng quý I/2024, nhiều hơn 15 tỉ đồng so với mức lỗ cùng kỳ năm trước.
Trong vụ lúa đông xuân vừa qua, Lộc Trời còn vướng phải lùm xùm nợ tiền lúa gần 500 tỉ đồng của nông dân tại các tỉnh ĐBSCL. Sau khi thu xếp được tài chính để trả hết tiền cho nông dân vào ngày 21-5, đại diện Lộc Trời đã có giải thích về sự cố dòng tiền, trong đó có việc biên độ lợi nhuận ngành gạo rất thấp và chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bất khả kháng như thời tiết bất thường, sâu bệnh hoặc các sự cố bất ổn liên quan đến an ninh lương thực thế giới…
Trước đó, năm 2023, Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) lỗ 208 tỉ đồng. Nguyên nhân là do doanh thu thuần giảm đến 77% so với năm trước còn chi phí lãi vay lại tăng 18%.
Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An năm 2023 cũng ghi nhận lỗ lần đầu kể từ khi lên sàn chứng khoán với mức lỗ 19 tỉ đồng dù doanh thu đạt 4.484 tỉ đồng, tăng 18%.
Tuần qua, tại cuộc họp về tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo do Bộ Công Thương và Bộ NN-PTNT cùng chủ trì, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đã đề xuất áp dụng giá sàn trong xuất khẩu gạo để xử lý tình trạng bỏ thầu giá thấp. Tuy nhiên, đề xuất này đã gặp nhiều phản ứng trái chiều của các DN gạo bởi lo ngại quay lại tình trạng xin - cho trong khi xu thế chung là tháo gỡ các rào cản, tăng quyền tự chủ cho các DN.
Về định hướng xuất khẩu nông - lâm - thủy sản trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT cho hay các thị trường lớn của Việt Nam đang dần tăng trưởng trở lại như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ... Dù vậy, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức về cung và cầu hàng nông sản, vật tư. Các cuộc xung đột quân sự gia tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt... làm đứt gãy chuỗi cung ứng và tăng chi phí vận chuyển. Nhiều quốc gia thực thi chính sách bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước; đẩy mạnh sản xuất nông sản để chủ động nguồn cung, ứng phó với tác động tiêu cực của El Nino, La Nina.
Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong thời gian tới, bộ này cho biết sẽ tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản , thủy sản. Đặc biệt, tận dụng các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, hỗ trợ DN ký kết đơn hàng xuất khẩu mới…
Nhìn hội chợ Thái Lan mà buồn!
Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nói Việt Nam xuất khẩu nông sản , thực phẩm đi khắp năm châu nhưng chưa có hội chợ, triển lãm quốc tế nào xứng tầm. "Nhìn ThaiFex-Anuga Asia 2024 nhộn nhịp tại Thái Lan mà nghĩ buồn cho Việt Nam quá! Các DN Thái Lan vì lợi thế sân nhà nên gian hàng nào cũng to, hoành tráng, sản phẩm lung linh..., nhờ đó họ dễ dàng bán hàng hơn chúng ta rất nhiều" - ông Tùng cảm thán.
Theo ông Tùng, Việt Nam cần thông qua tham tán thương mại ở các nước, cố gắng mời nhà mua quốc tế về dự các hội chợ, triển lãm tại Việt Nam và hỗ trợ thông tin, đi lại cho khách. DN Việt Nam tham gia triển lãm cũng cần biết nhu cầu của khách để tiếp cận...