Quyết liệt tổ chức theo chuỗi
Trong năm 2018, Bộ NN&PTNT phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tối thiểu 3%, trong đó lĩnh vực trồng trọt đạt tối thiểu 2,2%, chăn nuôi 3%, thủy sản 5,5%, lâm nghiệp 6%; kim ngạch XK khoảng 40 tỷ USD, trong đó các sản phẩm trồng trọt trên 21 tỷ USD, thủy sản khoảng 9 tỷ USD, lâm nghiệp trên 8,5 tỷ USD, các mặt hàng khác 1,5 tỷ USD.
Năm 2017, XK nông, lâm, thủy sản thu về trên 36 tỷ USD, vượt cả kỳ vọng, mục tiêu đặt ra từ đầu năm. Tuy nhiên, quá trình XK không chỉ toàn thuận lợi mà phải đối mặt với không ít khó khăn từ thiên tai cho tới các rào cản phi thuế quan từ những thị trường chính, điển hình như Hoa Kỳ, EU…
Đề cập tới vấn đề, ngành nông nghiệp sẽ đối mặt thế nào với những rào cản tại thị trường XK trong năm 2018 cũng như tương lai xa hơn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay: Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, Việt Nam phải chấp nhận cạnh tranh bình đẳng, đồng thời sẵn sàng tâm thế chuẩn bị ứng phó với rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại do các thị trường dựng lên.
“Một mặt, chúng ta đàm phán với các nước để tháo gỡ rào cản về thị trường. Mặt khác, chúng ta phải quyết liệt tổ chức sản xuất theo chuỗi từ nguyên liệu, chế biến, bảo quản đến thương mại, tiêu thụ sản phẩm… Việc tổ chức sản xuất theo chuỗi nhằm mục đích cắt giảm chi phí, quản lý được chất lượng sản phẩm cũng như hài hòa được lợi ích của các đối tác trong chuỗi giá trị, bảo đảm lợi ích cho nông dân. Bà con nông dân sẽ được khuyến khích liên kết với DN, tham gia các hợp tác xã (HTX), hình thành chuỗi sản xuất khép kín, đưa sản phẩm phù hợp với các thị trường”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phân tích.
Liên quan tới thị trường XK nông, lâm, thủy sản, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, trong năm 2018, trên cơ sở những nội dung mà Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã phối hợp, Bộ NN&PTNT mong Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp, hỗ trợ trong lĩnh vực phân tích thị trường. Hiện nay, trước yêu cầu phát triển, các hiệp hội, DN đặt nhiều vấn đề cần thông tin thị trường, trong đó có sự phân tích rõ thị trường trọng tâm, thị trường tiềm năng, thị trường ngách… “Vì vậy, năm nay đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN&PTNT cùng một số ngành hàng tập trung phân tích rõ thị trường để các hiệp hội, DN xác định thế mạnh, hạn chế, có định hướng phát triển thị trường XK cho phù hợp”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
Trên thực tế, không chỉ các hiệp hội, DN mới dành sự quan tâm lớn cho những thông tin về thị trường XK mà nhiều địa phương cũng khá coi trọng điều này. Bởi hiện nay, các địa phương xây dựng nhiều vùng nguyên liệu phục vụ cả nhu cầu trong nước lẫn XK. Khi nắm rõ thông tin về thị trường XK, địa phương sẽ có phương án tập trung chỉ đạo, đảm bảo vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu tiêu dùng và XK tốt hơn.
Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu
Xoanh quanh câu chuyện phối hợp thúc đẩy XK, nâng cao giá trị gia tăng cho các ngành hàng nông sản, Thứ trưởng Trần Thanh Nam bày tỏ thêm: Phải đẩy mạnh xây dựng, phát triển thương hiệu hàng hóa. Nhiều năm qua, hàng hóa phát triển mạnh nhưng điểm yếu là thương hiệu còn hạn chế, ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng. Năm 2017, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung xây dựng thương hiệu gạo. “Năm 2018, định hướng đặt ra là sẽ tập trung xây dựng thương hiệu cho hai mặt hàng thủy sản XK chủ lực là cá tra và tôm. Hy vọng, trong năm nay, công tác phối hợp sẽ được triển khai mạnh mẽ, đảm bảo nâng vị thế hàng nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Liên quan tới câu chuyện giải pháp thúc đẩy XK nông, lâm, thủy sản, một số chuyên gia nêu quan điểm: Hiện nay, xu hướng là một số nước áp dụng các biện pháp rào cản, thậm chí còn cả truyền thông bôi nhọ sản phẩm XK của Việt Nam. Ví dụ, thời gian qua, tại thị trường Ấn Độ, để bảo vệ hàng trong nước, nước này đã áp dụng chính sách thuế tối thiểu. Điều này khiến cho hàng Việt Nam NK vào Ấn Độ bị đội giá. Hàng loạt hợp đồng của DN Việt bị hủy bỏ, cần đề nghị bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Ấn Độ xem xét lại. Nhìn chung, do tình hình khó khăn mà các quốc gia có biện pháp để bảo vệ sản xuất trong nước, song nếu những biện pháp này áp vào các FTA không phù hợp thì hai bộ: NN&PTNT và Công Thương phải tiếp tục đấu tranh để bảo vệ hàng nông sản XK.
Không chỉ ở cấp bộ, theo các chuyên gia, cấp sở, ngành địa phương cũng cần có sự “bắt tay” chặt chẽ hơn, nhất là trong các vấn đề xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển hàng hóa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chống buôn lậu và gian lận thương mại…