Thời điểm này, các vùng trồng vải miền Bắc bắt đầu vào vụ thu hoạch rộ vải tươi. Tuy nhiên khác với mọi năm, vải tươi xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn năm nay giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ khoảng 3 tuần qua, nhiều tư thương, doanh nghiệp đã đến làm thủ tục hải quan, xuất khẩu quả vải tươi sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn).
Cán bộ Chi cục hải quan Tân Thanh kiểm tra hàng nông sản trước khi xuất khẩu.
Đại úy Bùi Gia Trịnh, Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn cho biết, để tạo điều kiện thông quan nhanh mặt hàng nông sản này, các lực lượng chức năng của tỉnh Lạng Sơn đã lên kế hoạch, chuẩn bị lực lượng, phương tiện và tạo luồng xe riêng cho các phương tiện chuyên chở…:
"Vải thiều là mặt hàng hoa quả tươi dễ hỏng, trạm kiểm soát Biên phòng Tân Thanh chúng tôi đã duy trì đảm bảo an ninh trật tự và phối hợp lực lượng chức năng phân luồng riêng cho phương tiện chở hàng vải thiều xuất khẩu qua cửa khẩu đảm thông quan được trong ngày" - đại úy Bùi Gia Trịnh cho biết thêm.
Chị Vũ Thị Nguyệt đang làm thủ tục xuất khẩu nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh cho biết: Mọi năm lượng quả vải lên Tân Thanh trung bình từ 50 -120 xe mỗi ngày, nhưng từ đầu vụ đến giờ chỉ có 10 -20 xe. |
Tuy nhiên, trên thực tế hiện lượng hàng xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh đến thời điểm này mới đạt khoảng 3.500 tấn quả vải tươi được làm thủ tục, bằng khoảng 1/5 so với mọi năm. |
Bà Hoàng Thị Thiều Hoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục hải quan Tân Thanh, Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết: "Trong thời điểm hiện nay, mặt hàng vải thiều xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh chủ yếu là xuất qua loại hình tiểu ngạch, không có hợp đồng mua bán ngoại thương.
Lượng vải thiều xuất khẩu giảm có thể do chủ hàng phía Trung Quốc họ chỉ định giao hàng tại cửa khẩu nào thì các chủ hàng của Việt Nam giao tại cửa khẩu đó".
Xe nông sản vải tươi được phân luồng riêng. |
Không chỉ quả vải tươi, nhiều loại hàng nông sản khác cũng đang trong tình trạng phụ thuộc hoàn toàn vào sự điều tiết của các tiểu thương Trung Quốc.
Điều này càng đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam nhanh chóng nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm các yêu cầu vệ sinh, kiểm dịch, mẫu mã... đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch nhằm chủ động kế hoạch kinh doanh, hạn chế rủi ro và thiệt hại.