Bà Nguyễn Nam Phương Thảo, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit, Long An cho biết, lượng đơn hàng, lợi nhuận từ xuất khẩu trái cây tươi của Hoàng Phát Fruit trong tháng 1/2024 tăng trên 30% với hơn 4.000 tấn các loại.
Loại trái cây xuất khẩu nhiều nhất là: Xoài, thanh long. Ngoài thị trường truyền thống là Trung Quốc, trái cây của Hoàng Phát Fruit còn vươn tới thị trường mà doanh nghiệp mở rộng những năm gần đây như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và NewZealand.
Trong những ngày tới, đặc biệt là trước Tết Nguyên đán, sức mua, lượng đơn hàng cũng rất khả quan. Bà Thảo cho biết: “Thị trường Australia và NewZealand có sức hồi phục nhiều hơn, kinh tế người dân bên đó cũng dần hồi phục tốt nên hai thị trường này tăng trưởng nhiều hơn. Người bản địa gốc Việt mình cũng như người Đông á bên đó cũng đông rồi vào mùa lễ nên mua sắm cho cúng kiếng cũng nhiều, sản lượng bên Australia và NewZealand tăng. Thị trường sẽ tích cực hơn khi kinh tế dần hồi phục người dân cũng sẽ chi tiêu nhiều hơn, năm nay kỳ vọng thị trường sẽ tốt hơn”.
Ở hoạt động xuất khẩu nông sản đã qua chế biến, ông Nguyễn Lâm Viên, CEO của Công ty Cổ phần Vinamit cho biết, thị trường EU có xu hướng giảm, nhưng bù lại thị trường truyền thống của Vinamit là Trung Quốc, Mỹ… ở các mặt hàng trái cây tươi như mít trái, sầu riêng lại tăng.
Với tốc độ tăng trưởng những ngày đầu năm 2024 khoảng 12%, ở góc độ quy mô sản lượng xuất khẩu lớn như Vinamit, đây là tín hiệu tích cực.
Ông Nguyễn Lâm Viên dự báo, trước tình hình suy thoái, cũng như chiến sự xảy ra ở một số khu vực, chắc chắn việc dự trữ, tích trữ hàng hóa sẽ được nhiều quốc gia quan tâm hơn để phòng ngừa rủi ro. Đây là cơ hội cho nông phẩm qua chế biến có thêm nhiều đơn hàng.
“Một số thị trường khác cũng xuất hiện, bởi sau hai năm trở lại đây trái cây, nông sản rất nổi bật… kể cả gạo xuất rất mạnh. Tôi cho rằng thị trường trái cây năm 2024 sẽ khởi sắc nhiều, nhất là hàng chế biến thay vì xuất tươi. Những ngành hàng cấp đông trong đó cả đông lạnh hoặc đông khô chắc chắc có thêm nhiều đơn hàng hơn” - ông Nguyễn Lâm Viên nói.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ở thời điểm này dù trái cây, rau củ quả có tăng giá, tuy nhiên không xuất hiện tình trạng khan hàng. Doanh nghiệp xuất khẩu vẫn có nguồn cung ổn định và bán ra với giá cao.
Tính từ ngày 1/1 đến 20/1, kim ngạch xuất khẩu rau củ quả ước đạt trên 500 triệu USD… Trên cơ sở dữ liệu được thống kê sơ bộ, tháng đầu năm rất thuận lợi, dự báo hoạt động xuất khẩu rau củ quả năm 2024 sẽ rất khả quan và có khả năng vượt kỷ lục so với cùng kỳ.
“Ông bà mình có nói “Đầu xuôi, đuôi lọt”, vì vậy dự báo năm 2024 kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ vượt qua kim ngạch năm rồi và đạt kỷ lục mới với 6 tỷ đến 6,5 tỷ USD. Mục tiêu của ngành rau quả trong 2 năm tới với sự nỗ lực và điểm tích cực này khả năng vươn tới con số 8 tỷ USD bằng hoặc hơn mức kim ngạch xuất khẩu thủy sản hiện nay” - ông Đặng Phúc Nguyên chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2023, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành nông nghiệp vẫn đạt được những kết quả tích cực. Giá trị tăng toàn ngành ước đạt 3,83%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây. Đồng thời, với sự chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt từ lãnh đạo Bộ đến các đơn vị trực thuộc, ngành nông nghiệp đạt được nhiều thành tựu lớn, khẳng định được vị thế là “bệ đỡ” cho nền kinh tế.
Theo ông Phùng Đức Tiến, đến tháng 1/2024, giá trị toàn ngành đạt 5,14 tỷ USD, tăng 79% (cùng kỳ 2,87 tỷ USD). Trong đó có đóng góp tích cực của xuất khẩu rau củ quả.
“Những yếu tố nông nghiệp được Chính phủ trong đó đặc biệt Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm và chúng ta đã làm tốt điều đó. Hiện thị trường Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng lớn… Chúng ta thấy cơ cấu thị trường để có giải pháp thúc đẩy. Dù thị trường Trung Quốc nay là thị trường khó tính nhưng chúng ta vẫn tăng tốc được. Cuối tháng 1/2024 ngành thủy sản, lâm nghiệp, trồng trọt đều tăng năm nay với chỉ tiêu 54 - 55 tỷ USD khả năng chúng ta sẽ vượt và đạt yêu cầu” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Khi xuất khẩu tăng nóng cũng là lúc cần nhắc lại câu chuyện diện tích vùng trồng tăng nhanh, tranh mua, tranh bán, gian lận thương mại… Lúc này tính liên kết của ngành hàng cần tiếp tục được nhắc đến, cũng như cần được tính sớm, tính nhanh để tăng sự chủ động hơn giữa nông hộ và các đơn vị cung ứng, xuất khẩu nhằm phát triển bền vững cho toàn ngành.