Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 11/2019 đạt 381 triệu USD; lũy kế 11 tháng, ước đạt 3,5 tỷ USD, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam chiếm 66,8% thị phần, nhưng giá trị giảm 13,7% so với cùng kỳ năm 2018. Tiếp đến là Hoa Kỳ chiếm 4%, tăng 10,7%; Hàn Quốc chiếm 3,4%, tăng 12,3%; Nhật Bản chiếm 3,2%, tăng 12,6%.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan... tăng mạnh nhưng khó có thể bù đắp cho sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc, bởi khoảng 2/3 giá trị xuất khẩu được tạo nên bởi thị trường này.
Thanh long, sầu riêng đạt giá trị cao nhất
Xét về chủng loại trái cây: Thanh long đạt 974,3 triệu USD, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm 2018; sầu riêng đạt 759 triệu USD, giảm 17,4%; măng cụt đạt 168,5 triệu USD, giảm 1%; dừa đạt 109,1 triệu USD, giảm 34,9%; nhãn đạt 104,4 triệu USD, giảm 56,2%; ớt đạt 56,1 triệu USD, giảm 47,7%; dưa hấu đạt 55,7 triệu USD, giảm 26,4%; nấm hương đạt 45,7 triệu USD, giảm 59,3%; khoai lang đạt 35 triệu USD, giảm 43,6%; mộc nhĩ đạt 20,7 triệu USD, giảm 58,3%...
Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 11/2019 đạt 123 triệu USD, đưa tổng kim ngạch rau quả nhập khẩu 11 tháng lên 1,63 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2018. Thái Lan là nguồn nhập khẩu nhiều nhất, chiếm 29,7%, giảm 24,5% so với cùng kỳ năm 2018. Tiếp đến là Trung Quốc chiếm 25,6%, tăng 10,1%; Hoa Kỳ chiếm 15,5%, tăng 54%; Australia chiếm 6,3%, tăng 4%.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng cho hay, do xuất khẩu rau quả gặp nhiều khó khăn, khiến giá bán nhiều sản phẩm trái cây của nông dân tại vườn cho thương lái sụt giảm nhiều.
Giá sầu riêng năm nay đã giảm khoảng 20.000 đồng/kg; nguyên nhân chính là từ giữa năm 2019, Trung Quốc đã siết chặt hoạt động nhập khẩu trong khi đó sầu riêng là mặt hàng chưa được phép xuất khẩu chính ngạch. Giá thanh long tại các nhà vườn ở Bình Thuận từ đầu vụ đến nay luôn ở dưới mức 10.000 đồng/kg nhưng từ đầu tháng 11 đến nay, giá chỉ còn ở mức 5.000-7.000 đồng/kg...
Cần chương trình giám sát sản xuất
Ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản khuyến cáo, để nắm bắt cơ hội, Việt Nam ngoài việc cần đẩy nhanh việc đăng kí mã số vùng trồng, mã số đóng gói cơ sở để doanh nghiệp có thể xuất khẩu rau quả nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc.
Các doanh nghiệp rau quả của Việt Nam cần tập trung đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại trong sản xuất và chế biến sâu, đồng thời tăng cường hợp tác và kết nối với các đối tác trong chuỗi cung ứng để nâng cao năng lực xuất khẩu.
Theo ông Hòa, mở cửa thị trường là khâu mấu chốt mà cơ quan nhà nước phải đi đầu để giải quyết. Nếu chúng ta không mở cửa thị trường thì chắc chắn không thể xuất khẩu được.
Ở Thái Lan, rau và hoa quả xuất sang Trung Quốc họ có 22 loại thì Việt Nam mới có 9 loại. Theo yêu cầu của Trung Quốc tất cả nông sản nhiệt đới vào họ thì họ có yêu cầu bắt buộc phải đánh giá rủi ro. Quá trình này không thể ngày một ngày hai có thể làm được ngay, việc đánh giá theo tuần tự đó mất tối thiểu 3 năm hoặc dài hơn.
Không chỉ Trung Quốc đưa ra quy định khắt khe, mà châu Âu và nhiều quốc gia cũng dựng hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu. Ở EU, bên cạnh những thuận lợi do EVFTA và IPA mang lại, tình thế cũng đặt ra những yêu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp phải cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói, vận chuyển, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường xuất khẩu cũng như cạnh tranh trên thị trường nội địa.
Hiện EU đã quy định mức giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRLs) được sử dụng trong và trên các sản phẩm thực phẩm. Đối với các sản phẩm rau quả tươi, doanh nghiệp phải tuân thủ chặt chẽ theo các quy định về MRLs và ngăn ngừa tình trạng nhiễm vi khuẩn là những điều kiện tiên quyết khi muốn thâm nhập vào thị trường này.
Để sản phẩm rau quả "vượt rào" một cách căn cơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang kiến nghị Chính phủ có những ưu đãi cho ngành nông nghiệp trong việc đầu tư các chương trình, đặc biệt là những chương trình trọng điểm, xây dựng những chương trình giám sát sản xuất - kinh doanh.
"Tất cả các chương trình giám sát này là mấu chốt trong vấn đề đánh giá tương đương giữa các cơ quan quản lý của bên nhập khẩu với nước xuất khẩu để chúng ta có chìa khóa mở cửa vào thị trường của họ. Đây là chìa khóa để giảm thiểu những rào cản thương mại. Nếu chúng ta không đủ năng lực để giám sát thì chắc chắn không thể tương đương với quy chuẩn, tiêu chuẩn của các nước bạn được ông Hòa nhấn mạnh".