Chỉ đạt gần 1,3 tỷ USD
Theo thông tin từ Cổng thông tin một cửa quốc gia, tính đến chiều 1/3, tại các cửa khẩu phía Bắc có khoảng 7.281 xe đang chờ làm thủ tục thông quan, trong đó số lượng xe ở Lạng Sơn nhiều nhất với khoảng 3.726 xe, Quảng Ninh có 2.013 xe, Lào Cai có khoảng 1.224 xe, Lai Châu 129 xe…
Chất lượng sản phẩm xuất khẩu cần phải cải thiện nhiều hơn để giữ thị trường
Bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong số xe chờ thông quan ở Lạng Sơn, có đến 70% là xe chở nông sản, chủ yếu là thanh long, chuối tươi, dưa hấu và các loại rau củ như ớt, sắn, cây thạch đen... Đến nay, Lạng Sơn đã thông báo cho người dân, doanh nghiệp không tiếp tục đưa xe chở nông sản lên cửa khẩu nhưng hằng ngày vẫn có khoảng 50-70 xe đổ về.
Trước tình trạng các xe hàng đổ về gây tình trạng ùn tắc, bà Hà cho biết, Lạng Sơn đã thống nhất với phía Trung Quốc thí điểm phương thức giao nhận hàng hóa hạn chế tiếp xúc, từ đó cửa khẩu Tân Thanh có thể nâng số lượng xe thông quan lên 150 - 200 xe/ngày và có thể cao hơn nữa (hiện khoảng 30-40 xe/ngày). Phương thức giao nhận mới sẽ áp dụng chính thức từ ngày 26/2 tại cửa khẩu Tân Thanh và với cửa khẩu Hữu Nghị sẽ áp dụng (từ ngày 1/3).
Theo bà Hà, khó khăn nhất hiện nay là việc triển khai “vùng xanh”, “vùng đệm” ở cửa khẩu vẫn chưa có quy định cụ thể để phù hợp với quy định của phía Trung Quốc. Nhiều trường hợp xét nghiệm âm tính tại Việt Nam, nhưng lại dương tính theo kiểm tra của Trung Quốc.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật) cho biết, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc hiện không chỉ ùn ứ tại các cửa khẩu, mà còn “tắc” trong việc phê duyệt hồ sơ doanh nghiệp theo quy định mới của nước này.
Tính đến nay, có 1.656 doanh nghiệp Việt Nam được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã theo Lệnh 248 và Lệnh 249 về quản lý giám sát an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, hiện nay trong số 270 doanh nghiệp mà Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đề xuất, phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc mới chỉ cấp mã được khoảng 70%.
“Việc phê duyệt mã sản phẩm chậm và chưa có quy định về thời gian phê duyệt cấp mã số đăng ký doanh nghiệp đang gây khó cho hoạt động xuất khẩu của DN. Chúng tôi đang kiến nghị Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đôn đốc và trao đổi với Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ, đặc biệt việc chậm cấp mã số đăng ký đối với nhóm mặt hàng có nguồn gốc thực vật và nhóm mặt hàng do Bộ Công Thương quản lý đăng ký”, ông Nam nói.
Ngày càng chịu nhiều sức ép
Theo Bộ Công Thương, nhiều năm qua, những điểm yếu, thậm chí những cảnh báo về rủi ro xuất khẩu tiểu ngạch từ chính phía Trung Quốc không được nhiều doanh nghiệp (DN) Việt để tâm.
Theo Bộ Công Thương, việc ùn tắc kéo dài ở các cửa khẩu phía Bắc trong những năm gần đây đã gây ra nhiều thiệt hại cho DN, người nông dân. Về vai trò của thị trường Trung Quốc đối với nông sản Việt, ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit cho rằng, trong nhiều năm tới, các DN Việt cũng như nhiều nước trên thế giới khó có thể bỏ qua sức hút từ việc xuất khẩu vào Trung Quốc, dù các yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và cạnh tranh liên tục gia tăng sau mỗi năm. Theo ông Huy, các doanh nghiệp trong ngành đã tính toán và hết sức kinh ngạc khi nhận thấy lượng hàng xuất khẩu cả năm sang toàn bộ các thị trường EU, Singapore, Nhật... chỉ bằng 2 ngày xuất đi Trung Quốc.
Hàng nông sản Việt đang bị cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn từ chính thị trường Trung Quốc cũng là cảnh báo được ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) nêu ra gần đây. Theo ông Phú, thanh long được xếp vào nhóm mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực, trị giá lên đến cả tỷ USD của Việt Nam những năm qua. Hơn 80% thanh long của Việt Nam sản xuất ra được bán sang Trung Quốc. Tuy nhiên, thanh long Việt đang chịu sự cạnh tranh ngày càng tăng từ chính Trung Quốc khi diện tích trồng của họ đã bằng diện tích trồng của Việt Nam.
Về việc giải bài toán xuất khẩu hàng hoá, đặc biệt là hàng nông sản sang Trung Quốc, bà Nguyễn Cẩm Trang, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, thực tế cho thấy nhiều năm qua, các điểm yếu cố hữu của hàng nông sản Việt vẫn chưa được xử lý triệt để. Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát dịch bệnh, còn doanh nghiệp, người nông dân nước ta trong quá trình sản xuất chưa bám sát tín hiệu, nhu cầu thị trường nhập khẩu.
Bộ NN&PTNT cho biết, 2 tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản của Việt Nam ước đạt khoảng 8 tỷ USD (tăng 21%). Trong khi, xuất khẩu nông sản tăng mạnh ở các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, thì thị trường Trung Quốc chỉ đạt gần 1,3 tỷ USD (giảm gần 31% so với năm ngoái). Ðặc biệt, lần đầu tiên xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường này không còn đạt giá trị lớn nhất.