Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, giá một số mặt hàng rau tại Đà Lạt ổn định so với cùng kỳ năm 2017, nguồn cung dồi dào. Cụ thể giá các mặt hàng rau ngày 19/4/2018 như sau: Khoai tây, lơ xanh có giá 15.000 đ/kg; Cả rốt, cải thảo có giá 10.000 đ/kg; Cà chua 14.000 đ/kg; Xà lách 12.000 đ/kg; Đậu cô ve 12.000 đ/kg; Bắp cải, hành tây 8.000 đ/kg; Lơ trắng 18.000 đ/kg; Bí đỏ 14.000 đ/kg. Chỉ có dưa leo 10.000 đ/kg và khổ qua 12.000 đ/kg, giá giảm 2.000 đ/kg so với cùng kỳ năm 2017.
Theo Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 4/2018, kim ngạch xuất khẩu hàng rau hoa quả đạt 176,9 triệu USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2017. Lũy kế đến ngày 15/4/2018, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đạt 1,15 tỷ USD, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 3/2018, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả đạt 321,6 triệu USD, tăng 20,4% so với tháng trước, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2017. Lũy kế đến hết tháng 3/2018, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đạt 970,1 triệu USD, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Tháng 3/2018, trị giá xuất khẩu mặt hàng rau quả tới các thị trường chính đều tăng so với cùng kỳ năm 2017, trừ các thị trường Nga, Đài Loan và Úc. Tính chung trong 3 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh.
Theo dự báo của FAO nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ rau quả của Trung Quốc tăng rất nhanh trong giai đoạn 2017 - 2020 (chiếm 15,1% tổng tiêu thụ của thế giới). Đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc.
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thông tin Hải quan Trung Quốc, 2 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu mặt hàng quả và quả hạch. Trong đó, lượng nhập khẩu từ Việt Nam dẫn đầu đạt 321.861 tấn, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2017. Do đơn giá nhập khẩu từ Việt Nam ở mức thấp nên trị giá nhập khẩu từ Việt Nam chỉ đạt 189,9 triệu USD, tăng 33% so cùng kỳ năm 2017. Đáng chú ý, mặc dù lượng và trị giá nhập khẩu từ Việt Nam đều tăng mạnh, nhưng thị phần nhập khẩu từ Việt Nam giảm cả về lượng và trị giá tại thị trường Trung Quốc.
Trên thị trường thế giới, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc (FAO), thị trường rau quả toàn cầu dự kiến tăng trưởng 8% trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2020. Các quốc gia đang tăng cường tiêu thụ trái cây nhiệt đới, trái mùa và hữu cơ.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu quả của Bra-xin, trong 2 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu mặt hàng quả của Brazil đạt 98,1 triệu USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó xuất khẩu quả sấy và chế biến tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2017. Các mặt hàng quả xuất khẩu chính với khối lượng tăng mạnh như cam tăng 96,4%; dâu tây tăng 394,5%; chuối tăng 267,4%; táo tăng 87,4% và trái cây bảo quản tăng 52,3%.