Năm 2016, giá trị xuất khẩu rau quả đã vượt qua gạo và dầu thô. Liệu năm 2017 mặt hàng rau quả hoa có phá kỷ lục cũ không, thưa ông?
- Năm 2016 so với năm 2010, kim ngạch xuất khẩu (XK) rau quả đã lớn gấp gần 5,5 lần, tăng gần 32,7%/năm. Đây là tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng tổng kim ngạch XK của cả nước trong cùng thời gian. Trong câu lạc bộ tỷ đô, XK rau quả đã đứng trên dầu thô, sản phẩm từ chất dẻo, gạo, sắt thép các loại, sản phẩm từ sắt thép... Đạt được kết quả vượt trội trên, là nhờ XK rau quả tăng với tốc độ cao.
Vú sữa tươi của Việt Nam sẽ được xuất sang Mỹ từ tháng 1.2108. Ảnh: Vú sữa Lò Rèn (Tiền Giang). Ảnh: D.V
"Chúng ta cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp chất lượng cao; phát triển các loại hoa không dùng đất, nông sản không dùng hóa chất, thuốc trừ sâu... Đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm...”. Ông Nguyễn Quốc Toản |
Từ đầu năm đến hết tháng 9.2017, kim ngạch XK rau quả đã đạt trên 2,64 tỷ USD; so với cùng kỳ năm trước tăng 44,2% và tiếp tục vượt qua 3 mặt hàng có thứ bậc cao hơn trong năm 2016. Đây là điểm sáng trong bức tranh chung của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh thiên tai, nhân tai, dịch họa..., thể hiện nỗ lực vượt bậc của ngành nông nghiệp.
Rau quả của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2017 đã có mặt ở trên nhiều thị trường, trong đó 14 thị trường có kim ngạch đạt trên 10 triệu USD. Lớn nhất là Trung Quốc khi 8 tháng đầu năm 2017 kim ngạch XK rau quả sang Trung Quốc tiếp tục đạt trên 1,78 tỷ USD, chiếm 76% thị phần.
Thị trường Nhật Bản đứng thứ 2 với giá trị khoảng 80 triệu USD tăng 64,6%, xếp thứ 3 là Mỹ với giá trị XK khoảng 70 triệu USD, tiếp sau là Hàn Quốc, Hà Lan, Malaysia... Qua đó có thể thấy trong 9 tháng của năm 2017, các thị trường XK chủ lực vẫn giữ mức tăng trưởng độ ổn định đối với mặt hàng rau quả. Đó là cơ sở để tin chắc kim ngạch XK hàng rau quả có thể đạt kỷ lục mới, cán mốc 3 tỷ USD trong năm nay.
Có thể thấy mặt hàng rau quả đang dần thâm nhập sâu và bền vững vào các thị trường khó tính và thị trường bậc cao, vậy chúng ta cần làm gì để mở rộng bản đồ rau quả Việt ra thế giới?
- Nhu cầu tiêu thụ rau quả tươi và chế biến trên thị trường thế giới được dự báo tăng tích cực. Dân số thế giới, thu nhập thế giới tăng khiến nhu cầu và giá rau quả ngày càng cao. Nhu cầu và khả năng cung ứng các sản phẩm chất lượng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (có chứng nhận chất lượng) đang tăng lên nhanh chóng. Nhu cầu về sản phẩm hữu cơ tăng cao tập trung ở 10 nước lớn như Mỹ, Đức, Pháp, Trung Quốc, Canada... với tổng doanh thu 90 tỷ USD.
Chính vì vậy, kỳ vọng đạt kỷ lục mới về XK rau quả có tính khả thi trong điều kiện nông nghiệp đang cần tái cơ cấu từ sản xuất đến tiêu thụ trong nước và XK. Theo đó, chúng ta cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp chất lượng cao; phát triển các loại hoa không dùng đất, nông sản không dùng hóa chất, thuốc trừ sâu... Cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thời gian bảo quản.
Tăng cường kết nối doanh nghiệp chuỗi siêu thị lớn; thu hút đầu tư và nâng cao năng lực chế biến bảo quản nông sản XK để tham gia vào chuỗi sản phẩm toàn cầu; xúc tiến, quảng bá và XK các sản phẩm hữu cơ sang các thị trường Mỹ, Đức, Pháp, Trung Quốc, Canada, Thụy Điển, Tây Ban Nha…
Những mặt hàng trái cây nào sẽ được kỳ vọng XK tốt thời gian tới?
- Giữa tháng 4 vừa qua, tin vui tiếp tục đến với nhóm ngành rau, quả nói chung và trái vú sữa Việt Nam nói riêng khi Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) đồng ý từ ngày 19.1.2018, vú sữa tươi của Việt Nam trở thành loại trái cây thứ 5 (sau thanh long, chôm chôm, vải, nhãn) được nhập khẩu vào thị trường này. Mỹ cũng đang xem xét và sẽ sớm có câu trả lời về việc nhập khẩu trái xoài tươi của Việt Nam.
Mỹ vốn là thị trường khó tính và dù được mở cửa cấp phép nhưng trong những năm đầu tiên, kim ngạch XK sang thị trường này có thể chỉ vào khoảng vài nghìn tấn. Tuy vậy, việc vào được thị trường này sẽ tạo cơ hội lớn cho rau quả đa dạng hóa thị trường XK, nâng cao chất lượng và uy tín của nông sản Việt.
Hiện nay Bộ NNPTNT đang làm việc chặt chẽ với tỉnh Nghệ An để trong tháng 12 tới sẽ XK chanh leo đi châu Âu. Bộ cũng đang đàm phán mở cửa thanh long ruột đỏ đi Nhật Bản, hoàn thành thủ tục kiểm dịch thực vật cho thanh long ruột trắng, ruột đỏ, xoài xanh đi Úc.
Bên cạnh đó Bộ NNPTNT đã phối hợp các Sở NNPTNT, Sở Công Thương các tỉnh tổ chức các diễn đàn thúc đẩy tiêu thụ rau quả. Vừa qua tổ chức thành công diễn đàn ở Lạng Sơn về thúc đẩy tiêu thụ rau quả Việt Nam – Trung Quốc, và diễn đàn XK vải thiều ở Bắc Giang, điều đó cho thấy sự nỗ lực của các địa phương cùng sát cánh với Bộ NNPTNT để mở rộng thị trường rau quả.
Ngoài các thị trường đã mở, đâu sẽ là thị trường tiềm năng cho trái cây, rau và hoa Việt Nam?
- Bên cạnh các thị trường XK rau quả tăng mạnh như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Đài Loan, thì thị trường Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng là một trong những thị trường rất tiềm năng.
XK mặt hàng rau, củ, quả từ Việt Nam sang UAE có mức tăng trưởng mạnh mẽ so với các năm trước do rau quả Việt Nam ngày càng được nhiều thị trường biết đến và ưa chuộng, việc tăng kim ngạch XK sang UAE là điều hoàn toàn khả thi trong thời gian tới.
Ngay sau chuyến đi phát triển thị trường tại Iran của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, chúng tôi đã tổ chức hội nghị gần 50 doanh nghiệp XK của Việt Nam để thâm nhập vào thị trường Iran, sau đó 15 doanh nghiệp đã vào thị trường này.
Xin cảm ơn ông!