Theo số liệu của Hiệp hội Rau quả Việt Nam vừa công bố, xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 8 ước đạt hơn 700 triệu USD, tăng 26,8% so với tháng trước và tăng 50,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính trong 8 tháng, xuất khẩu rau quả ước đạt 4,58 tỷ USD, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch 2,93 tỷ USD, chiếm tới 64% trong tổng thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Tiếp đến là Mỹ với kim ngạch đạt 223,5 triệu USD, tăng 31% và Hàn Quốc đạt 223 triệu USD tăng 51% so với cùng kỳ năm trước.
Trao đổi với PV Tiền Phong , ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho rằng, với việc hàng loạt mặt hàng rau quả của Việt Nam vừa được khai thông thị trường mới (sầu riêng đông lạnh, dừa sang Trung Quốc, chanh leo chuẩn bị xuất sang Mỹ), nông sản Việt đang có nhiều cơ hội để vượt qua mốc kỷ lục - gần 5,7 tỷ USD năm ngoái.
Theo ông Nguyên, mặt hàng được các doanh nghiệp nông sản đánh giá có khả năng tạo đột phá nhất là sầu riêng đông lạnh. Đặc biệt, việc mở cửa thị trường sầu riêng đông lạnh sẽ góp phần hạn chế tình trạng rớt giá vào vụ thu hoạch rộ.
“Trước đây, giá sầu riêng đông lạnh xuất khẩu của Việt Nam khá thấp do ảnh hưởng từ các nước đối thủ. Với việc thị trường 1,5 tỷ dân rộng cửa, dự báo giá sầu riêng đông lạnh sẽ tăng đáng kể, chỉ riêng mặt hàng này có thể đạt kim ngạch đến 300 triệu USD trong năm 2025”, ông Nguyên nhận định.
Với sản phẩm chanh leo, ông Nguyên cho biết, trong vòng 5 năm qua, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chanh leo nước ta đã tăng hơn 300%,và luôn nằm trong top 10 loại trái cây có giá trị xuất khẩu cao. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu chanh leo đạt hơn 222 triệu USD.
Hiện chanh leo của Việt Nam cũng đã xuất khẩu tới các thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, kiểm dịch, an toàn thực phẩm như: Australia, Pháp, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Trung Quốc... với tỷ trọng trong tổng nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia này đạt khá cao.
“Việt Nam xuất sang thị trường khó tính châu Âu khoảng 3-5% sản lượng quả, sang Trung Quốc khoảng 20%, còn lại là tiêu thụ và sản xuất trong nước dưới dạng ép nước. Với việc Mỹ mở cửa cho chanh leo, dự báo kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này có thể tăng từ 50 - 100 triệu USD”, ông Nguyên cho hay.
Với sản phẩm dừa, việc ký Nghị định thư với Trung Quốc được kỳ vọng gia tăng đáng kể kim ngạch xuất khẩu sắp tới.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Văn Đức - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Dừa Bến Tre - đánh giá, việc dừa xiêm có "visa" xuất sang Trung Quốc là tin vui được đông đảo bà con trồng dừa đón nhận.
Theo ông Đức, khi sản phẩm dừa tươi được xuất khẩu chính ngạch, giá bán dừa của người dân có thể tăng lên gấp 2-3 lần nhờ nhu cầu cao. Điều này cũng giúp ổn định giá cả trên thị trường trong nước, giảm thiểu tình trạng giá rớt vào mùa thu hoạch.
Ông Cao Bá Đăng Khoa - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội dừa Việt Nam - cho biết, không chỉ thị trường Trung Quốc, nhu cầu nhập khẩu dừa tươi từ các thị trường khác như Ấn Độ, Trung Đông… cũng đang cao nên giá bán sản phẩm này đang tăng mạnh. Việc ký nghị định thư với Trung Quốc sẽ giúp xuất khẩu dừa tươi có thể đạt 250 triệu USD và đưa ngành dừa có thể cán mốc tỷ USD trong năm nay.