Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong tháng 9/2019, giá sắn nguyên liệu trong nước có xu hướng tăng nhẹ so với cuối tháng 8/2019. Tại Tây Ninh, giá sắn thu mua tại nhà máy dao động quanh mức 2.550 – 2.700 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg so với cuối tháng 8/2019. Tại Kon Tum, giá sắn thu mua tại nhà máy dao động quanh mức 2.250 – 2.450 đồng/kg.
Tháng 9/2019, nhiều nhà máy ở khu vực Tây Ninh và Tây Nguyên đã đi vào sản xuất vụ 2019/2020. Nguồn nguyên liệu củ sắn tươi đầu vụ chưa ổn định tạo ra hiện tượng thiếu hàng tại một số khu vực tập trung các nhà máy chạy cùng thời điểm. Giá sắn lát khô nội địa tăng do tồn kho vụ 2018/2019 ở mức thấp, trong khi giá mua từ các nhà máy Trung Quốc thấp nên các đơn vị kinh doanh sắn lát khô chủ yếu tập trung bán cho các đơn vị trong nước.
Theo ước tính, tháng 9/2019, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 200 nghìn tấn, trị giá 80 triệu USD, tăng 10,7% về lượng và tăng 11,4% về trị giá so với tháng 8/2019; tăng 35,1% về lượng và tăng 24,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Giá xuất khẩu bình quân giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2018, xuống còn 400 USD/tấn. Tính chung 9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn ước đạt 1,74 triệu tấn, trị giá 678 triệu USD, giảm 4,7% về lượng và giảm 2,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Tính riêng mặt hàng sắn, xuất khẩu trong tháng 9/2019 ước đạt 4 nghìn tấn, trị giá 1 triệu USD, giảm 57,7% về lượng và giảm 46,9% về trị giá so với tháng 8/2019; giảm 88,7% về lượng và giảm 83,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Giá xuất khẩu bình quân mặt hàng này tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2018, lên mức 250 USD/tấn. Tính chung 9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sắn ước đạt 262 nghìn tấn, trị giá 57 triệu USD, giảm 57,4% về lượng và giảm 57,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.