Bộ Công Thương cho biết, do ảnh hưởng của bệnh khảm lá bùng phát trên diện rộng, năng suất cây sắn giảm mạnh. Giá sắn nguyên liệu tại các vùng ở mức cao ngay từ đầu vụ do sản lượng giảm. Theo dự đoán, nguồn cung sắn lát của Việt Nam năm nay sẽ thấp hơn với cả sắn nội địa lẫn nhập khẩu từ Campuchia. Ngoài ra, sắn trồng 2 năm tại khu vực Tây Nguyên đã hết, nên sắn lát vụ mới của Việt Nam năm nay sẽ có muộn hơn ít nhất 1 tháng so với cùng kỳ hàng năm. Nguồn cung sắn nguyên liệu cho các nhà máy tinh bột sắn tại Tây Nguyên và Tây Ninh trong niên vụ 2018-2019 sẽ vẫn tiếp tục khó khăn khi giá thiết lập ngay từ đầu vụ đã ở mức trên dưới 3.000 đồng/kg, cao hơn tới 1.300-1.400 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2017.
Theo ước tính, tháng 11/2018 cả nước đã xuất khẩu được khoảng 200 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá đạt 88 triệu USD, tăng 9,8% về lượng và tăng 1,7% về trị giá so với tháng 10/2018; tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2017 giảm 46,1% về lượng và giảm 17,8% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân tăng tới 52,5% so với cùng kỳ năm 2017 lên 440 USD/tấn. Tính chung 11 tháng năm 2018, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu đạt 2,21 triệu tấn, trị giá 873 triệu USD, giảm 37,1% về lượng và giảm 4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017, giá xuất khẩu bình quân đạt 395 USD/tấn, tăng 52,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Tính riêng mặt hàng sắn, trong tháng 11/2018 xuất khẩu ước đạt 39 nghìn tấn, trị giá 17 triệu USD, tăng 79,5% về lượng và tăng 218,9% về trị giá so với tháng 10/2018; so với cùng kỳ năm 2017, giảm 75,9% về lượng và giảm 39,7% về trị giá. Tính chung 11 tháng năm 2018, lượng sắn đã xuất khẩu ước đạt 675 nghìn tấn, trị giá 156 triệu USD, giảm 54,1% về lượng và giảm 37,9% về trị giá, giá xuất khẩu bình quân đạt 231 USD/tấn, tăng 35,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 10/2018, xuất khẩu tinh bột sắn đạt 158,85 nghìn tấn, trị giá 80,5 triệu USD, tăng 36,7% về lượng và tăng 41,1% về trị giá so với tháng 9/2018, giá xuất khẩu trung bình đạt 507 USD/tấn, tăng 3,2%. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 90,4% lượng tinh bột sắn xuất khẩu, với khối lượng đạt 143,61 nghìn tấn, trị giá 72,52 triệu USD, tăng 36,8% về lượng và tăng 41,2% về trị giá so với tháng 9/2018.
Xuất khẩu sắn lát khô trong tháng 10/2018 đạt 21,44 nghìn tấn, trị giá 5,24 triệu USD, giảm 34,8% về lượng và giảm 31,9% về trị giá so với tháng 9/2018, được xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc và Hàn Quốc, giá xuất khẩu trung bình đạt 244 USD/tấn, tăng 4,4%.
Bộ Công Thương dự báo trong thời gian tới, xuất khẩu sắn sang Trung Quốc theo đường biên mậu sẽ gặp khó khăn do nhu cầu yếu. Bên cạnh đó, từ ngày 15/11/2018, tại khu vực cửa khẩu Na Hình (Lạng Sơn), phía Trung Quốc yêu cầu hàng hóa trên bao bì phải ghi rõ loại hàng, quy cách, hàm lượng, ngày sản xuất... nếu hàng hóa không đáp ứng đầy đủ yêu cầu thì sẽ không đủ điều kiện nhập khẩu.
Cụ thể, các lực lượng chức năng phía Trung Quốc thông báo hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tinh bột sắn, sắn lát vào thị trường Trung Quốc chưa thông qua Chính phủ Việt Nam để đăng ký danh sách doanh nghiệp sản xuất với cơ quan Hải quan Trung Quốc, do vậy bắt đầu từ ngày 15/11/2018 mặt hàng tinh bột sắn, sắn lát không được phép thông quan.
Bên cạnh đó, thời gian tới giá xuất khẩu tinh bột sắn của Việt Nam có thể sẽ giảm nhẹ do nền kinh tế của Trung Quốc đang chịu tác động từ những căng thẳng thương mại với Mỹ. Nguồn cung tinh bột ngô khá dồi dào sau khi Trung Quốc bán ra hơn 120 triệu tấn ngô từ kho dự trữ kể từ giữa tháng 4/2018, làm giảm nhu cầu đối với tinh bột sắn; đồng NDT và đồng Baht Thái tiếp tục mất giá mạnh so với đồng USD và Thái Lan đang được lợi về tỷ giá, nên giá xuất khẩu của Thái Lan cạnh tranh hơn nhiều so với của Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn cung sắn nguyên liệu của cả Việt Nam, Campuchia và Thái Lan niên vụ 2018-2019 có thể giảm do dịch bệnh và mưa lũ sẽ là yếu tố hỗ trợ để giá tinh bột sắn không giảm mạnh.