Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn năm 2020 vừa qua ước đạt 2,8 triệu tấn, trị giá khoảng 989 triệu USD, tăng 9% về lượng và tăng 2,4% về trị giá so với năm 2019. Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 96% tổng xuất khẩu sắn của Việt Nam.
Tháng 1/2021, do giá ngô thế giới tăng mạnh, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu sắn lát thay thế cho ngô trong một số ứng dụng, như thức ăn chăn nuôi. Việt Nam đã được hưởng lợi lớn từ xu hướng này.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước trong tháng 1/2021 ước đạt 472.805 tấn, tương đương 174,62 triệu USD, tăng trên 23% cả về khối lượng và kim ngạch so với tháng 12/2020; còn so với một năm trước đó (tháng 1/2020), tốc độ tăng rất mạnh, lần lượt là 122,9% (về lượng) và 139,7% (về kim ngạch), mặc dù giá xuất khẩu trung bình giảm nhẹ 0,5% so với tháng 12, còn 369,3 USD/tấn. So với tháng 1/2020, giá sắn xuất khẩu bình quân tháng vừa qua tăng 7,6%.
Trong các sản phẩm sắn xuất khẩu tháng 1/2021, xuất khẩu sắn lát ước đạt 168.864 tấn, kim ngạch 40,89 triệu USD, giá 242,2 USD/tấn, tăng mạnh 125% về lượng, tăng 280,8% về kim ngạch và tăng 69% về giá so với tháng 12/2020; so với tháng 1/2020 cũng tăng rất mạnh với mức tăng tương ứng 228%, 364% và 41,5%.
Trung Quốc đại lục tiếp tục là thị trường chủ đạo, nhập khẩu gần như toàn bộ sắn xuất khẩu của nước ta, chiếm chiếm gần 96% trong tổng khối lượng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu sản và sản phẩm sắn tháng 1/2021, đạt lần lượt 453.456 tấn và 166,56 triệu USD, tăng 22% cả về lượng và kim ngạch nhưng giảm 0,5% về giá so với tháng 12/2020; so với tháng 1/2020 tăng cả về lượng, kim ngạch và giá, với mức tăng tương ứng 127,7%, 146,5% và 8,3%. Các thị trường xuất khẩu sắn còn lại của Việt Nam trong tháng 1 vừa qua bao gồm chủ yếu là: Hàn Quốc (9.279 tấn, tương đương 3,08 triệu USD); Đài Loan (Trung Quốc) với 5.491 tấn, tương đương 2,51 triệu USD.
Về phía thị trường Trung Quốc, theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong năm 2020, Việt Nam đứng thứ 2 trong số những nhà cung cấp sắn lát cho Trung Quốc với 95,91 triệu USD, tăng 90,8% so với năm 2019, thị phần sắn lát của Việt Nam chiếm 12,25% trong tổng nhập khẩu sắn lát đạt kim ngạch 782,85 triệu USD của Trung Quốc, tăng mạnh so với thị phần 7,83% của năm 2019. Tốc độ tăng nhập khẩu sắn lát Việt Nam vào Trung Quốc năm qua gấp 4 lần so với tốc độ tăng nhập khẩu sắn nói chung từ các thị trường vào Trung Quốc (tăng 22%).
Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2020 cũng tăng lên 35,64%, tăng so với mức 31,73% của năm 2019 (đứng thứ 2 trong số những nhà cung cấp); trong khi thị phần tinh bột sắn của Thái Lan chiếm 61,32%, giảm so với mức 65,7% của năm 2019.
Các thị trường khác cung cấp sắn lát và tinh bột sắn cho Trung Quốc là Thái Lan, Campuchia và Lào.
Với sự hồi phục của ngành chăn nuôi lợn Trung Quốc sau khi bị dịch tả lợn Châu Phi, trong khi nguồn cung ngô ở Mỹ và Nam Mỹ gặp khó do thời tiết bất lợi, dự báo xuất khẩu sắn của nước ta trong thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì cao.