Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hiện tại, khu vực phía Bắc đã bắt đầu vào vụ mới 2018 - 2019. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu đầu vụ ít, giá mua cao, độ bột thấp đẩy giá thành sản xuất tinh bột sắn tại khu vực này rất cao. Thậm chí, một số nhà máy tại khu vực Tây Ninh phải tạm ngưng sản xuất chờ diễn biến thị trường vì xu hướng giá tại thị trường Trung Quốc giảm liên tục.
Hiện nay, nguồn sắn lát tồn kho vụ cũ trong nước ở mức thấp. Trong khi đó, giá sắn lát vụ mới ở mức khá cao do nguồn nguyên liệu củ sắn tươi dùng làm sắn lát chưa dồi dào. Giá nguyên liệu vẫn ở mức cao nên chào giá xuất khẩu của các nhà máy Việt Nam trong khoảng 500-505 USD/tấn, FOB cảng thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Đăk Lăk, hiện đã có 7/15, huyện, thị xã, thành phố của tỉnh có diện tích sắn bị bệnh khảm lá, mức độ nặng từ 30-70% với diện tích khoảng 1.300 ha, tập trung nhiều nhất tại các huyện Ea Súp, Krông Bông, Buôn Đôn.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 10/2018 lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu đạt 182,1nghìn tấn, trị giá 86,49 triệu USD, tăng 21,2% về lượng và tăng 32,5% về trị giá so với tháng 9/2018; giảm 36,9% về lượng, nhưng tăng 4,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Giá xuất khẩu bình quân tăng 64,8% so với cùng kỳ năm 2017 lên 474,9 USD/tấn. Tính chung 10 tháng năm 2018, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn đã xuất khẩu đạt 2 triệu tấn, trị giá 785,29 triệu USD, giảm 36% về lượng và giảm 2,1% về trị giá, giá xuất khẩu bình quân đạt 390,7 USD/tấn, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2017.
Tính riêng mặt hàng sắn, tháng 10/2018 đã xuất khẩu được 21,57 nghìn tấn, trị giá 5,34 triệu USD, giảm 34,7% về lượng và giảm 31,7% về trị giá so với tháng 9/2018; giảm 80,3% về lượng và giảm 74,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Giá xuất khẩu sắn tháng 10/2018 bình quân đạt 297,9 USD/tấn, tăng 72,6% so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung 10 tháng năm 2018, lượng sắn xuất khẩu đạt 581,97 nghìn tấn, trị giá 125,85 triệuUSD, giảm 46,7% về lượng và giảm 31%về trị giá; giá xuất khẩu bình quân đạt 218,4 USD/tấn, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Nhìn chung trong tháng 10/2018, lượng sắn và sản phẩm từ sắn xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường đều tăng mạnh so với tháng 9/2018.
Đáng chú ý, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Hàn Quốc tăng mạnh, tăng 466,8% về lượng và tăng 373,8% về trị giá so với tháng 9/2018; so với cùng kỳ năm 2017 tăng 1.842% về lượng và tăng 2.224% về trị giá, với khối lượng đạt 4,97 nghìn tấn, trị giá 1,5 triệuUSD; giá xuất khẩu bình quân đạt 302,8 USD/tấn, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2017. Tính đến hết tháng 10/2018, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Hàn Quốc đạt 81,85 nghìn tấn, với trị giá 23,91 triệu USD, tăng 18,9% về lượng và tăng 52,6% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân ở mức 292,2 USD/tấn, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Bên cạnh đó, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc cũng tăng mạnh so với tháng 9/2018, tăng 26,5% về lượng và tăng 35,9% về trị giá, với khối lượng đạt 162,05 nghìn tấn, trị giá 77,07 triệu USD; tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2017 lại giảm 42,2% về lượng và giảm 3,9% về trị giá, giá xuất khẩu trung bình ở mức 475,6 USD/tấn, tăng 66,2% so với cùng kỳ năm 2017. Tính đến hết tháng 10/2018, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc đạt 1,75 triệu tấn, với trị giá 682,28 triệu USD, giảm 37,2% về lượng và giảm 3,4% về trị giá, giá xuất khẩu bình quân ở mức 388,3 USD/tấn, tăng 53,9% so với cùng kỳ năm 2017.