Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 12/2020 ước đạt 330 nghìn tấn với giá trị đạt 118 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn cả năm 2020 ước đạt 2,76 triệu tấn và 989 triệu USD, tăng 9% về khối lượng và tăng 2,4% về giá trị so với năm 2019. Giá xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn bình quân năm 2020 ước đạt 358,3 USD/tấn, giảm 6% so với cùng kì năm ngoái.
Năm 2020 xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn tăng 9% về khối lượng và tăng 2,4% về giá trị so với năm 2019
Về cơ cấu thị trường, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất với tổng lượng xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn sang Trung Quốc đạt 1,9 triệu tấn, tương tương với 772 triệu USD, tăng 11,5% về sản lượng và tăng 2,7% về giá trị so với cùng kì năm 2019. Đài Loan, Malaysia cũng là 2 thị trường tăng trưởng mạnh nhập khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2020, với mức tăng trưởng về giá trị xuất khẩu lần lượt là 15% và 3% so với cùng kì năm ngoái.
Về cơ cấu sản phẩm, mặt hàng sắn lát, xuất khẩu cả năm 2020 ước đạt 640 nghìn tấn, tương đương 139 triệu USD, tăng 60% về lượng và 75% về giá trị so với cùng kì năm trước. Giá xuất khẩu sắn lát bình quân 12 tháng ở mức 217 USD/tấn, tăng 10% so với mức giá 198 USD/tấn của cùng kì năm trước. Mặt hàng tinh bột sắn, xuất khẩu năm 2020 ước đạt 2,1 triệu tấn với giá trị 850 triệu USD, giảm 1% về lượng và giảm 4% về giá trị so với cùng kì năm 2019. Giá xuất khẩu bình quân tinh bột sắn đạt 401 USD/tấn, giảm 4% so với cùng kì năm trước.
Xuất khẩu sắn lát sang Trung Quốc tiếp tục tăng về lượng trong tháng 11, đạt 36,3 nghìn tấn, tăng 36% so với tháng 10/2020; giá trị xuất khẩu đạt 6 triệu USD giảm 9% do giá xuất khẩu sắn lát trong tháng 11 giảm. Nhìn chung, bất chấp tác động của dịch Covid-19, xuất khẩu sắn lát 11 tháng đầu năm sang Trung Quốc đã đạt con số đáng kinh ngạc, tương đương 101,5 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái giá trị xuất khẩu chỉ đạt 55,4 triệu USD.
Xuất khẩu tinh bột sắn vẫn đang trên đà tăng trong tháng 11/2020. Lượng xuất khẩu ở mức 225,4 nghìn tấn, với giá trị 93,2 triệu USD, tăng 24% về lượng và 25% về giá trị so với tháng 10/2020. Giá xuất khẩu tinh bột sắn vẫn tiếp tục tăng nhẹ lên 414 USD/tấn, tăng 1% so với tháng trước. Hiện Trung Quốc đang ưu tiên nhận các hợp đồng còn lại, những hợp đồng kí mới vẫn ít nên khả năng trong tháng 12 lượng tinh bột sắn từ miền Trung và miền Nam đi theo đường biển sẽ giảm lại.
Trên thị trường thế giới, giá sắn và sản phẩm sắn cũng đang biến động tăng ở một số nước sản xuất chính. Hiệp hội tinh bột sắn Thái Lan đã điều chỉnh tăng giá sàn xuất khẩu tinh bột sắn tháng 12 lên mức 475 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với tháng 11/2020. Trong khi giá thu mua tinh bột sắn cũng được điều chỉnh lên mức 13,5 Baht/kg, tăng 0,1 Baht/kg so với tháng trước.
Tại thị trường trong nước, các nhà máy tại Tây Ninh giảm giá thu mua sắn, giá sắn nguyên liệu phổ biến quanh mức 2.900 đồng/kg, giảm nhẹ so với tháng trước. Giá sắn lát điều chỉnh giảm về mức 5.100-5.400 đồng/kg so với mức 5.300-5.600 đồng/kg của tháng trước. Giá tinh bột sắn thành phẩm tại Tây Ninh cũng giảm nhẹ, cao nhất 10.600 đồng/kg đối với hàng nội địa do giá xuất khẩu biên mậu/chính ngạch được điều chỉnh giảm.
Những tác động của dịch Covid-19 trong đầu năm 2020 đã khiến ngành sắn Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn đã lấy lại đà tăng trưởng sau khi dịch bệnh được kiểm soát và trở thành một trong số ít mặt hàng nông sản có giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương.
Hiện, thị trường ngô Trung Quốc đang tăng giá tại một số tỉnh và cảng do điều kiện thời tiết xấu đã ảnh hưởng đến tiến độ sấy ngô vụ mới và cản trở việc vận chuyển ngô khiến nguồn cung khan hiếm, cùng với đó tiêu thụ cồn tại Trung Quốc trong dịp lễ, Tết cuối năm tăng cao sẽ đẩy xuất khẩu sắn lát tiếp tục tăng trong thời gian tới.