Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tại Tây Ninh, nguồn cung sắn từ nhập khẩu và nội địa đạt thấp, khiến nhiều nhà máy tinh bột tại Tây Ninh vẫn chưa thể hoạt động lại theo dự kiến trước đó. Hiện mới có khoảng trên 50% các nhà máy hoạt động trở lại sau nhiều tháng nghỉ bảo dưỡng và cũng chỉ chạy với công suất cầm chừng 1 ca/ngày.
Nguồn cung nguyên liệu cho các nhà máy tinh bột sắn của Tây Ninh niên vụ 2018 - 2019 sẽ vẫn khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn từ nay đến tháng 11/2018, do hiện nay trên 90% diện tích sắn còn lại của tỉnh Tây Ninh bị nhiễm bệnh khảm lá và đang lan sang các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Đắc Lắc, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Do nguồn cung khan hiếm, giá sắn về nhà máy tại Tây Ninh tăng 100 - 200 đ/kg so với cuối tháng 8/2018, lên mức 3.300 - 3.400 đ/kg.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo thời gian tới, thị trường sắn lát sẽ sôi động hơn, khi nhu cầu sử dụng sắn lát phục vụ cho dịp tết Trung thu tăng trong tháng 9/2018 và các nhà máy cồn và hóa chất tại Trung Quốc hoạt động trở lại. Xuất khẩu tinh bột sắn có triển vọng tăng do nhu cầu từ phía Trung Quốc tăng cao khi các nhà máy thực phẩm của nước này hết thời gian nghỉ bảo dưỡng.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn tháng 8/2018 đạt 103,64 nghìn tấn, trị giá 45,07 triệu USD, giảm 7,7% về lượng và giảm 11,5% về trị giá so với tháng 7/2018, giảm 64,2% về lượng và giảm 35,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Giá xuất khẩu bình quân sắn và sản phẩm từ sắn tăng 72,5% so với cùng kỳ năm 2017 lên 434,9 USD/tấn. Tính chung 8 tháng năm 2018, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu đạt 1,69 triệu tấn, trị giá 638,39 triệu USD, giảm 33,7% về lượng nhưng tăng 0,3% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân đạt 377,9 USD/tấn, tăng 51,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Tính riêng mặt hàng sắn, lượng xuất khẩu tháng 8/2018 đạt 12,13 nghìn tấn, trị giá 3,62 triệu USD, giảm 36,6% về lượng và giảm 27,3% về trị giá so với tháng 7/2018, giảm 90,5% về lượng và giảm 83,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017; giá xuất khẩu bình quân đạt 297,9 USD/tấn, tăng 72,6% so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung 8 tháng năm 2018, lượng sắn xuất khẩu đạt 581,97 nghìn tấn, trị giá 125,85 triệu USD, giảm 46,7% về lượng và giảm 31% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017; giá xuất khẩu bình quân đạt 216,3 USD/tấn, tăng 29,3%.
Nhìn chung, trong tháng 8/2018, lượng sắn và sản phẩm từ sắn xuất khẩu của Việt Nam sang hầu hết các thị trường đều giảm mạnh so với tháng 7/2018, trừ thị thường Hàn Quốc. Trong tháng 8/2018, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Hàn Quốc tăng 203,5% về lượng và tăng 401,5% về trị giá so với tháng 8/2017, đạt 20,06 nghìn tấn, trị giá 6,85 triệu USD; giá xuất khẩu bình quân sắn và sản phẩm từ sắn sang Hàn Quốc tháng 8/2018 đạt 341,5 USD/tấn, tăng 65,2% so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung 8 tháng năm 2018, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Hàn Quốc đạt 82,2 nghìn tấn, trị giá 24,23 triệu USD, tăng 21% về lượng và tăng 57,2% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân ở mức 294,9 USD/tấn, tăng 42,79% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong khi đó, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc đạt 76,3 nghìn tấn, trị giá 34,4 triệu USD, giảm 70,1% về lượng và giảm 46,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017; giá xuất khẩu trung bình ở mức 451,1 USD/tấn, tăng 80,4% so với cùng kỳ năm 2017. Tính từ đầu năm đến hết tháng 8/2018, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc đạt 1,47 triệu tấn, trị giá 551,23 triệu USD, giảm 35,3% về lượng và giảm 0,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017; giá xuất khẩu bình quân ở mức 374,3 USD/tấn, tăng 53,2% so với 8 tháng năm 2017.