Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới nhưng chủ yếu xuất khẩu dạng thô. Ảnh: HỮU LUẬN
Vì sao nhập cà phê Lào?
Theo Công ty Cổ phần Nghiên cứu ngành và tư vấn VN VIRAC, trong niên vụ 2016-2017, tổng lượng cà phê nhập khẩu ước đạt 1 triệu bao (khoảng 60.000 tấn cà phê nhân), tăng so với mức 640.000 bao trong niên vụ trước. Dự báo tổng sản lượng cà phê VN sẽ nhập khẩu trong niên vụ 2017-2018 đạt khoảng 1,06 triệu bao. Hiện VN nhập khẩu cả cà phê tươi, cà phê rang xay, cà phê pha sẵn từ Brazil, Mỹ, TQ, Lào…
Đại diện một công ty kinh doanh cà phê cho biết lâu nay VN vẫn nhập cà phê nhưng số lượng không nhiều. Cà phê tươi chủ yếu nhập từ Lào, còn cà phê rang xay nhập từ các nước Mỹ, Brazil, TQ…
“Cà phê tươi trồng ở Lào vị nhạt hơn cà phê trồng ở VN nên giá thấp, chỉ khoảng 5.000-6.000 đồng/kg tươi, trong khi giá bán cà phê tươi trồng trong nước hơn 10.000 đồng/kg. Giá cà phê tươi Lào rẻ nên nhiều công ty nhập về các tỉnh Tây Nguyên, đem trộn với cà phê VN để kiếm lời. Vì vậy mới có chuyện nhập khẩu cà phê từ Lào” - đại diện công ty này tiết lộ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Bình, Giám đốc Công ty Cà phê Chánh Tinh Anh, cho hay VN nhập cà phê tươi từ Lào vì chất lượng hạt cà phê ở Lào sau khi thu hoạch tốt hơn. Lý do họ ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cách thu hoạch “tỉ mẩn” hơn (họ chỉ hái trái chín trong khi VN trái xanh, ương ương, chín đều truốt một lần nên chất lượng không đồng nhất). Trong khi các công ty cà phê nước ngoài ưu tiên về chất lượng chứ không cần số lượng.
Thua công nghệ rang xay, chế biến
Số lượng cà phê nhập khẩu nhiều nhất vào VN đến từ Mỹ, TQ, Brazil. Lý do là ngành bán lẻ cà phê ở VN đang phát triển mạnh mẽ, rất nhiều thương hiệu nước ngoài như Starbucks, McCafé, Dunkin Donuts… đang phát triển mạnh hệ thống tại các TP lớn của VN.
Theo chuyên gia cà phê Nguyễn Khánh Hiệp, các hãng đồ uống nước ngoài đặt ra rất nhiều yêu cầu khắt khe về nguồn nguyên liệu cho các sản phẩm của họ. Nhưng hiện nay các doanh nghiệp VN chưa đủ sức, đủ công nghệ, đủ khả năng cạnh tranh với những thương hiệu cà phê rang xay, hòa tan nước ngoài.
Theo các công ty chế biến cà phê, lượng cà phê rang xay, hòa tan nhập khẩu từ Mỹ về nước ta thực chất dùng nguyên liệu từ hạt cà phê trồng và thu hoạch tại VN. Ông Hiệp chỉ rõ: “Các công ty nước ngoài nhập khẩu cà phê nhân từ Colombia, Brazil, VN về Mỹ đưa vào nhà máy rang xay, chế biến và xuất khẩu sản phẩm rang xay, hòa tan về VN. Lý do chỉ có công nghệ, bí quyết rang xay tại các nhà máy ở nước ngoài mới đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu chất lượng cho các thương hiệu đồ uống bán lẻ. Ngoài ra, doanh nghiệp nước ngoài mua nguyên liệu giá rẻ về nước chế biến để thu được giá trị gia tăng cao nhất. VN xuất khẩu cà phê nhân kiếm khoảng 3 USD/kg trong khi các công ty nước ngoài đem về chế biến bán ra thành phẩm 50 USD/kg”.
Các công ty cà phê rang xay, hòa tan của VN hiện nay dù đã có sản phẩm xuất khẩu nhưng ông Hiệp cho rằng các thương hiệu nước uống vẫn phải nhập khẩu do công nghệ rang xay, chế biến trong nước vẫn không thể theo kịp các nước trên thế giới.
Thậm chí so với TQ, ngành rang xay và chế biến cà phê VN vẫn chậm chân. Ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia ngành này, cho biết TQ nhập khẩu cà phê nhân của VN nhiều năm nay. Nhưng vài năm trở lại đây với công nghệ rang xay, chế biến phát triển, TQ lại xuất khẩu sản phẩm cà phê đạt chất lượng tốt vào VN cho các hãng cà phê bán lẻ.
“Hiện một số công ty cà phê trong nước cũng đã đầu tư cho cà phê rang xay, hòa tan… Tuy nhiên, để đầu tư một nhà máy chế biến cần lượng vốn lớn trong khi lượng tiêu thụ cà phê tại nội địa không cao và còn chịu áp lực cạnh tranh rất lớn từ các doanh nghiệp ngoại đang đầu tư tại VN” - ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao VN (Vicofa), chỉ ra các khó khăn.