Theo thông tin từ Bộ kế hoạch và Đầu tư, giá thịt lợn hơi cả nước trong tháng 7 ổn định, dao động khoảng 46.000 - 50.000 đồng/kg. Với mức giá này, giá lợn Việt Nam đang cao hơn nhiều nước khác như Trung Quốc và Mỹ. Người chăn nuôi đang có lãi.
Song đây cũng là điều kiện để lượng thịt lợn nhập khẩu vào Việt Nam sẽ dễ tăng đột biến. Do đó, các cơ quan chức năng cần có biện pháp để kiểm soát tình hình kịp thời. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng thịt lợn nhập khẩu trong tháng 5/2018 tăng 50% về lượng và 30% về giá trị so với tháng 4/2018.
Giá lợn hơi thế giới dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp vì nguồn cung tại các nước sản xuất lớn vẫn có xu hướng tăng. Mặt khác, xu hướng bảo hộ thương mại trên thị trường quốc tế đang là một rào cản lớn cho xuất khẩu thịt lợn, người chăn nuôi cần thận trọng trong việc tăng đàn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khuyến cáo, các cơ quan chức năng cần có những phương hướng cụ thể để phát triển đàn lợn phù hợp với bối cảnh trong và ngoài nước. Ước tính đến tháng 7, tổng đàn lợn cả nước giảm khoảng 2,8% so với cùng thời điểm năm 2017.
Về giá lợn tăng cao, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lý giải, năm ngoái do giá lợn xuống thấp, khu vực chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ bỏ nuôi. Đến nay, các hộ giết mổ nhỏ lẻ không thể mua ở trang trại nên buộc phải mua của những hộ chăn nuôi nhỏ với giá cao hơn giá ở các trang trại lớn. Giá thịt lợn ở Việt Nam đang vào loại cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi khuyến cáo, người chăn nuôi, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không nên găm hàng để đẩy giá thịt lợn tăng lên trên 50.000 đồng/kg. Bởi, làm như vậy sẽ phá vỡ trật tự trên thị trường, nguy cơ thịt lợn giá rẻ, thịt lợn kém chất lượng thẩm lậu từ các nước vào Việt Nam. Chẳng hạn như thịt lợn từ Trung Quốc hay các nước Mỹ, Canada,Tây Ban Nha,... cũng có thể vào được.
Đặc biệt, nếu thịt lợn vẫn tiếp tục bị đẩy lên cao hơn, người dân lại ào ạt vào đàn, kéo theo nguy cơ dư thừa lợn rất lớn vào cuối năm 2019.