Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 7/2019 ước đạt 785 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 7 tháng đầu năm 2019 ước đạt gần 4,7 tỷ USD, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2018.
Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 55,9% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản .
Các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Mexico tăng 21,3%; Đài Loan (Trung Quốc) tăng 16,6%; Malaysia tăng 13,2% và Nhật Bản tăng 11%.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong 6 tháng đầu năm, thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam là EU, đạt hơn 300 triệu USD, giảm 25,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên trong thời gian tới, ngành tôm Việt Nam kỳ vọng có thể phục hồi xuất khẩu sang thị trường này nhờ tác động tích cực của Hiệp định Thương mại Việt Nam-EU ( EVFTA ) đã được ký kết tại Hà Nội vào 30/6/2019 và dự kiến sẽ được các nước thành viên EU thông qua để chính thức có hiệu lực trong thời gian tới.
Thuế nhập khẩu tôm nguyên liệu mã HS 03061100 (tôm hùm xanh ướp đá; tôm sú HOSO, DP đông lạnh; tôm sắt PD tươi đông lạnh; tôm hùm xanh ướp đá; tôm mũ ni vỏ, nguyên con, xẻ đông lạnh…) từ Việt Nam vào EU sẽ giảm từ mức hiện tại là 12,5% về 0%.
Thuế sản phẩm tôm mã HS 03061710 (tôm sú PD đông lạnh, tôm sú nguyên con HOSO đông lạnh, tôm sú lặt đầu còn vỏ, tôm sú tươi đông lạnh, tôm sú thịt đông lạnh, tôm sú HLSO tươi đông lạnh, tôm sú đông IQF, tôm thẻ thịt đông lạnh…) vẫn giữ nguyên 0%.
Tôm mã HS 03061791, 03061792, 03061793, 03061799 sẽ giảm thuế từ 12% hiện tại về 0%; tôm mã HS 03061794 sẽ giảm từ 18% hiện tại về 0% sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Đối với sản phẩm tôm chế biến, tôm mã HS 16052110 (tôm dạng bột nhão) từ mức 20% hiện tại sẽ điều chỉnh về 0% sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; tôm mã HS 16052190 (tôm khác) từ 20% về 0% sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Theo số liệu mới nhất của Cục Nghề cá biển Mỹ (NMFS), nhập khẩu philê cá tra đông lạnh của Mỹ trong tháng 5/2019 tuy có nhích nhẹ về khối lượng nhưng lại sụt giảm về giá trị so với tháng trước đó.
Giá bình quân đạt 3,82 USD/kg, giảm so với tháng trước là 4,31 USD/kg. Giá bình quân nhập khẩu tôm của Mỹ trong tháng 5/2019 đạt 8,25 USD/kg, tương đương với mức đạt được trong tháng trước.
Tại thị trường trong nước, giá bán buôn cá tra nguyên liệu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng qua tiếp tục xu hướng giảm khoảng 1.000 đồng/kg so với tháng trước xuống còn từ 21.000-22.000 đồng/kg đối với cá tra loại 1 (800-900g/con), trong khi giá thu mua tại trang trại chỉ trong khoảng từ 20.000-21.000 đồng/kg.
Lượng bắt của các doanh nghiệp ở mức thấp, chủ yếu bắt cá ao nhà và hạn chế mua ngoài.
Giá tôm nguyên liệu trong tháng 7/2019 có xu hướng giảm khá mạnh với cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng do hiện nay số lượng đơn hàng xuất khẩu thấp.
Cụ thể, tại Bạc Liêu, giá tôm sú ướp đá cỡ 20 con/kg giảm 75.000 đồng so với tháng trước xuống còn 165.000 đồng/kg; cỡ 30 con/kg giảm 65.000 đồng xuống mức 145.000 đồng/kg; cỡ 40 con giảm 25.000 đồng xuống còn 125.000 đồng/kg.
Giá tôm thẻ ướp đá cũng giảm ở hầu hết các cỡ, cụ thể: cỡ 60 con/kg giảm 7.000 đồng xuống 88.000 đồng/kg; cỡ 70 con/kg giảm 1.000 đồng còn 84.000 đồng/kg; cỡ 100 con/kg giảm 2.000 đồng còn 70.000 đồng/kg.