Ăn may!
Năm 2017 được xem là năm bội thu xuất khẩu tôm của Công ty cổ phần Thuỷ sản và thương mại Thuận Phước, với doanh số trên 92 triệu USD. Khi nhắc tới con số ấn tượng này, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm CEO công ty, nói: “Doanh số này là do thuận lợi từ bên ngoài mang lại chứ không do nỗ lực nội tại”.
Ngoại trừ Mỹ giá xuất khẩu cá tra có tăng, còn EU đang có chiều hướng giảm cả giá bán lẫn sản lượng do các rào cản thương mại. Các DN đang ùn ùn nhắm đến “chiếc cổ” Trung Quốc… Trong ảnh là triển lãm thủy sản tại Boston, Mỹ, năm 2017, có các đơn vị Việt Nam tham gia.
Ông Lĩnh phân tích, sở dĩ năm ngoái xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt kim ngạch lịch sử 3,8 tỷ USD, tăng 21% là do Ấn Độ, quốc gia cung cấp sản lượng tôm lớn nhất cho thế giới bị cộng đồng châu Âu tẩy chay, vì tôm bị nhiễm kháng sinh. Không những thế, năm này cũng ghi nhận mùa vụ tôm Ấn Độ thất thu, sản lượng sụt giảm mạnh, do đó, nhà nhập khẩu châu Âu phải tìm nguồn khác thay thế. Họ chọn Việt Nam để mua hàng.
Trong các nước Đông Nam Á, ông Lĩnh nói, Thái Lan cũng khá mạnh sản xuất tôm thẻ chân trắng, tuy nhiên, khách hàng EU lại kỳ vọng năm 2018 hoặc chậm nhất 2019, Việt Nam ký hiệp định thương mại với khối này, được hưởng thuế xuất khẩu thấp nên họ quay qua Việt Nam đặt hàng nhiều hơn để quen dần với thị trường.
“Tôi nghĩ nếu nhà nhập khẩu EU không chuyển hướng sang Việt Nam, hoặc Trung Quốc không có nhu cầu cao hơn, rất khó có hy vọng xuất khẩu năm 2017 đạt doanh số cao như vậy!”, ông Lĩnh khẳng định.
Giá tôm xuất khẩu năm 2017 có thời điểm đạt trên 10 USD/kg. Đây được coi là mức đỉnh nhiều năm, ngoài nhu cầu từ EU còn có sự góp sức từ thị trường Trung Quốc. Với Trung Quốc, như cách ví von của ông Lĩnh: “Một thị trường được đánh giá là “phi thuỷ sản bất thành tiệc”, nên nhu cầu sử dụng tôm, cá tra trong bữa ăn gia đình và tiệc tùng lúc nào cũng lớn”.
Năm 2017, Việt Nam bán được 3,8 tỷ USD tôm, 1,7 tỷ USD cá tra, riêng Trung Quốc ăn tới gần 30% sản lượng tôm và 37% lượng cá. Ảnh minh hoạ
Vài năm trước, Trung Quốc còn cạnh tranh xuất khẩu thuỷ sản với Việt Nam và nhiều quốc gia khác, nhưng do gặp khó khăn nuôi trồng dẫn đến hụt sản lượng, buộc họ phải chuyển qua nhập khẩu ồ ạt. Năm 2017, Việt Nam bán được 3,8 tỷ USD tôm, 1,7 tỷ USD cá tra, riêng Trung Quốc ăn tới gần 30% sản lượng tôm và 37% lượng cá.
Giá cá tra bán được trung bình 3 USD/kg năm này, phần lớn là nhờ nhu cầu tăng đột biến ở thị trường Trung Quốc, ngoại trừ Mỹ giá xuất có tăng, còn EU đang có chiều hướng giảm cả giá bán lẫn sản lượng do các rào cản thương mại.
“Cách nay hơn năm, tôi có dịp tham quan chuỗi nhà hàng ẩm thực ở Trung Quốc, ở đó chỉ thấy họ bán duy nhất con cá tra, chế biến làm 5 món ăn. Một năm sau quay lại, nhà hàng này phát triển hơn 800 tiệm, tất cả đều có bán cá tra!”, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, cho biết.
Năm ngoái, lần đầu tiên Vĩnh Hoàn đặt mục tiêu chuyển mạnh về thị trường Trung Quốc, sau khi nhận thấy hai thị trường truyền thống Mỹ và EU đã bão hoà.
Theo bà Khanh, người tiêu dùng Trung Quốc đã cảm nhận được việc dễ lựa chọn món ở con cá tra, miếng phi lê dễ thấm gia vị và đặc biệt, loài cá này có chất béo, phù hợp với nhu cầu ăn béo của người Trung Quốc, nên chúng ta có cơ hội gia tăng xuất khẩu vào thị trường này.
Khó lạc quan
Cách nay hơn tuần có dịp gặp ông Q., một giám đốc doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ hải sản ở TP.HCM. Ông Q. bảo vừa có hai tuần làm việc với khách hàng ở Đài Loan, Hong Kong để bàn kế hoạch mua bán tôm, cá tra cho năm 2018. Sau khi làm việc với 8 đối tác là nhà nhập khẩu lớn ở hai thị trường này, ông Q. nhận thấy nhu cầu đặt hàng của họ trong năm nay khá lớn, có thể làm không xuể, nhưng chỉ dừng lại ở dạng nguyên liệu.
Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh minh hoạ
Nghĩa là, họ yêu cầu cung cấp tôm sơ chế cấp đông, cá tra chỉ cần phi lê hoặc cắt khúc, rồi cấp đông. Giá xuất cơ bản sát với giá nguyên liệu nội địa chứ không cao hơn. Chưa dừng lại ở đó, ông Q. còn được đối tác cho địa chỉ văn phòng đại diện của họ tại TP.HCM. Liên hệ làm việc, ông Q. ngỡ ngàng, cho biết đó chỉ là những căn hộ, nhà dân được họ thuê vừa ở, vừa làm văn phòng.
“Đa số khách hàng Đài Loan, Hong Kong có văn phòng ở Việt Nam. Họ xuống trực tiếp vùng nuôi, mua nguyên liệu rồi thuê gia công ra sản phẩm thô để đưa về. Nếu mình có làm ăn với họ cũng chỉ là làm gia công hoặc làm dịch vụ xuất khẩu thuê cho họ mà thôi”, ông Q. nói.
Trong số 8,37 tỷ USD xuất khẩu thuỷ sản năm 2017, không loại trừ phần lớn được xuất dưới dạng như ông Q. nêu, điều này đồng nghĩa lợi nhuận thực sự mà doanh nghiệp, người nuôi hưởng chẳng đáng bao nhiêu. Ông Lĩnh cũng lo ngại tình trạng bán thuỷ sản sang Trung Quốc “phi tiêu chuẩn” như thời gian qua, đang là rào cản nghiêm trọng cho sự nỗ lực nuôi trồng thuỷ sản sạch, có kiểm soát, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế mang tính bền vững của Việt Nam.
Theo ông Lĩnh, trong năm 2018, ngoài sức ép từ EU yêu cầu sản phẩm thuỷ hải sản xuất khẩu phải có nguồn gốc, rào cản thương mại ở thị trường Mỹ, cạnh tranh giá bán…, việc kiểm soát chất lượng hàng hoá xuất sang Trung Quốc là thách thức lớn.
“Giá thành nuôi tôm của Việt Nam vẫn cao hơn Ấn Độ từ 2 –3 USD/kg, nên chúng ta cứ xuất nguyên liệu thô, thiếu kiểm soát chất lượng sang Trung Quốc; mà không chế biến hàng giá trị gia tăng, chắc chắn sẽ thua, thu lời thấp”, ông Lĩnh khẳng định.
BàTrương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cho rằng, cá tra đang được tiếp nhận khá tốt ở thị trường Trung Quốc, hàng năm đều phát triển hai con số. Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc có động thái kiểm soát khá chặt nguyên liệu thuỷ sản nhập khẩu từ Việt Nam, từ chất lượng, màu sắc, cảm quan… Do đó, muốn thị trường này phát triển bền vững phải coi trọng chất lượng và tính ổn định. “Nếu khách hàng đã tin hàng tốt, giá chỉ là yếu tố phụ. Có những cái họ không yêu cầu mình cũng phải chủ động kiểm soát, quan điểm là phải bán sản phẩm đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đúng theo tiêu chuẩn thế giới. Chúng ta phải làm sao cho khách hàng tin vào việc kiểm soát chất lượng của mình”, bà Khanh nói. |