Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt gần 6,3 tỷ USD, giảm nhẹ gần 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, trừ cá ngừ vẫn tăng khả quan 20%, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực khác đều sụt giảm. xuất khẩu tôm giảm 7%, cá tra giảm 8%, mực bạch tuộc giảm 8%. Ngoài ra, các mặt hàng cá biển khác vẫn duy trì tăng trưởng dương 17%, góp phần bù đắp sự sụt giảm của tôm, cá tra và mực, bạch tuộc.
Nửa đầu năm nay, sản lượng tôm tăng, giá tôm nguyên liệu giảm, trong khi lượng tồn kho tôm tại các thị trường cao, nguồn cung tôm từ các nước khác cũng tăng khiến giá tôm nhập khẩu tại các thị trường hạ thấp hơn so với năm ngoái, do vậy xuất khẩu tôm tiếp tục xu hướng sụt giảm từ năm 2018. Xuất khẩu giảm chủ yếu do kết quả xuất khẩu nửa đầu năm kém, từ tháng 7, xuất khẩu có dấu hiệu hồi phục dần dần.
Xuất khẩu sang các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN đều giảm, trong khi chỉ tăng nhẹ tại một số thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Australia.
Sản lượng cá tra tăng từ năm 2018 và đầu năm 2019 dẫn đến dư thừa nguồn cung, một số hộ nuôi tôm gặp khó chuyển sang nuôi cá tra, dẫn đến giá cá nguyên liệu và giá xuất khẩu giảm trong thời gian gần đây.
Xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ sụt giảm mạnh 40% còn 221 triệu USD, do thuế CBPG giai đoạn POR14 ở mức cao. Trừ xuất khẩu sang Trung Quốc trên đà hồi phục mạnh, tăng 71% trong tháng 7 và tiếp tục tăng mạnh trong tháng 8, xuất khẩu sang các thị trường khác đều đảo chiều theo hướng xấu đi. Tăng trưởng sang EU sau 9 tháng đã chững lại so với kết quả 6 tháng đầu năm, chỉ còn tăng 7%, xuất khẩu sang ASEAN tăng gần 1%, sang Mexico tăng gần 6%.
Mặc dù xuất khẩu hải sản vẫn tăng 12% so với cùng kỳ năm 2018 đạt gần 2,4 tỷ USD, nhưng chủ yếu tăng ở cá ngừ (tăng 20%) và các loại cá biển khác (tăng 17%). Trong đó tới 65-70% doanh số thu được từ cá ngừ và cá biển khác là từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU 9 tháng đầu năm đã bị sụt giảm 10%, trong đó cá ngừ giảm 6%, mực, bạch tuộc giảm 13% và từ thị trường nhập khẩu hải sản lớn thứ 2 của Việt Nam, EU đã tụt xuống thứ 5 sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và ASEAN. Kết quả này đã phản ánh hệ lụy của thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu hải sản của Việt Nam trong thời gian qua, nhất là trong quý I, vấn đề xác nhận, chứng nhận nguyên liệu khai thác và nhập khẩu còn bất cập khiến việc xuất khẩu bị đình trệ.
Xuất khẩu cá ngừ sang EU từ quý II phục hồi nên tổng xuất khẩu nửa đầu năm vẫn giữ được mức tương đương cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó xuất khẩu mực, bạch tuộc tiếp tục giảm sâu 14%. Tuy nhiên, từ tháng 7, xuất khẩu cá ngừ sang EU giảm mạnh 20%, trong khi xuất khẩu mực, bạch tuộc tăng 12%. EU đang là thị trường nhập khẩu cá ngừ đứng thứ 2 sau Mỹ, chiếm 19% xuất khẩu cá ngừ Việt Nam. Đối với mực, bạch tuộc EU là thị trường đứng thứ 3 sau Hàn Quốc và Nhật Bản, chiếm 12%.
Xuất khẩu tôm có chiều hướng khả quan hơn tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản vào nửa cuối năm khi lượng tồn kho giảm, nhu cầu tăng và sản lượng tôm ở Ấn Độ được dự báo giảm 20 -30% do ảnh hưởng thời tiết và do giá giảm, ngoài ra các doanh nghiệp Việt Nam có thể đã kịp nắm bắt tình hình và điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu tại các thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, cạnh tranh về giá tôm vẫn là áp lực lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu tôm trong nửa cuối năm. Do đó, VASEP dự báo, xuất khẩu tôm năm 2019 đạt 3,4 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2018.
Xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc những tháng đầu năm bị ảnh hưởng bởi việc siết chặt thương mại mậu biên và kiểm soát chất lượng, tuy nhiên, từ tháng 6 đã tăng trở lại và những tháng tiếp theo, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như nhà nhập khẩu Trung Quốc đã bắt kịp yêu cầu và có sự điều chỉnh tốt hơn, do vậy xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm.
Với mức thuế CBPG cao, thị trường Mỹ sẽ chỉ có một vài công ty xuất khẩu cá tra Việt Nam có thể thâm nhập, những rủi ro về thuế vẫn là rào cản khiến kể cả những doanh nghiệp này cũng phải chủ động mở rộng sang các thị trường khác. Do vậy, xuất khẩu sang Mỹ trong nửa cuối năm khó có thể phục hồi. Dự báo xuất khẩu cá tra cả năm 2019 đạt 2,23 tỷ USD, giảm 3% so với năm 2018.
Xuất khẩu cá ngừ sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc. Tuy nhiên tại thị trường EU khó đoán định vì sẽ phụ thuộc vào kết quả thanh tra của EU cuối tháng 10/2019 đánh giá việc thực hiện khuyến nghị chống khai thác IUU của EU. Nếu có kết quả tích cực sau thanh tra, xuất khẩu sẽ khởi sắc mạnh hơn, ngược lại kết quả những tháng cuối năm sẽ kéo kim ngạch xuất khẩu của nửa cuối năm hoặc tương đương hoặc thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. VASEP dự báo xuất khẩu cá ngừ cả năm đạt khoảng 800 triệu USD, tăng 23% so với năm 2018.
Xuất khẩu mực, bạch tuộc đang có chiều hướng sụt giảm đáng kể tại nhiều thị trường chính như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, ASEAN và Trung Quốc. Dự báo tình hình xuất khẩu trong nửa cuối năm cũng không khả quan hơn và tổng xuất khẩu cả năm đạt khoảng 626 triệu USD, giảm 7% so với năm 2018.
Với kết quả dự báo từng sản phẩm chủ lực như trên, theo VASEP tổng xuất khẩu thủy sản cả năm sẽ đạt 8,9 triệu USD, tăng 1,4% so với năm 2018.