Xuất khẩu tôm 11 tháng mang về gần 3,6 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Với sự tăng trưởng ở các thị trường tiêu thụ chính đều ghi nhận ở mức 2 con số, xuất khẩu tôm năm 2024 dự báo sẽ đạt 4 tỷ USD.
Tuy chưa thể vượt được kim ngạch xuất khẩu tôm kỷ lục của Việt Nam năm 2022 (khi đạt 4,3 tỷ USD), nhưng cũng đã cho thấy ngành hàng tôm đang có sự hồi phục rõ nét so với năm 2023 (chỉ đạt 3,4 tỷ USD).
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu tôm cho thấy tín hiệu khả quan ở nhiều thị trường. Xuất khẩu sang Mỹ và EU đều ghi nhận sự tăng trưởng ổn định. Trung Quốc đang có những chính sách thúc đẩy tiêu dùng, có thể giúp gia tăng nhu cầu nhập khẩu tôm từ Việt Nam.
Giá tôm xuất khẩu có dấu hiệu tăng, đặc biệt là tôm chân trắng, giúp cải thiện biên lợi nhuận cho doanh nghiệp. Giá nguyên liệu tôm cũng đang ở mức tích cực, điều này sẽ hỗ trợ cho sản xuất và xuất khẩu . Riêng tháng 11, giá tôm loại cỡ 50-60 con/kg, giá tăng so với tháng trước từ 5.000 – 9.000 đồng/kg, trung bình ở mức 103.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, sản phẩm tôm chế biến đang có sự phát triển mạnh mẽ, là tín hiệu tích cực, cho thấy doanh nghiệp đang chuyển hướng sang sản phẩm giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, ngành hàng tôm Việt Nam vẫn có những thách thức nội tại cần sớm vượt qua để có sự tăng trưởng bền vững.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cũng cho rằng, giá thành tôm thương phẩm Việt Nam quá cao, cao hơn 30% so với Ấn Độ/Indonesia và cao hơn gấp đôi so với Ecuador, khiến tôm Việt Nam rất khó để cạnh tranh.
Nếu tôm đạt chứng nhận ASC/BAP có thể bán được giá cao hơn 5 - 10%, còn tôm đạt chứng nhận hữu cơ/sinh thái giá bán cao hơn 10 - 20%. Hơn nữa, tôm đạt chứng nhận sẽ được vào các hệ thống siêu thị lớn, các nhà hàng/khách sạn lớn và các hệ thống phân phối lớn…
"Cần thay đổi tư duy, thay vì chạy theo sản lượng, công nghệ cao thì cần phải chú trọng vấn đề bền vững và hiệu quả, đặc biệt là về chất lượng, môi trường, sức khỏe và giá bán", ông Lê Văn Quang cho hay.