Sau khi giảm liên tục trong 3 tháng trước, xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 11 phục hồi, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2018. Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm tăng 1,5% và đạt gần 309 triệu USD trong tháng 11. Tuy nhiên, xuất khẩu 11 tháng đầu năm nay vẫn giảm 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn số liệu: VASEP.
Xuất khẩu tăng ở 7 trên 9 thị trường tiêu thụ chính của tôm Việt, trong đó, bán hàng sang Trung Quốc, Australia tăng 2 con số. Nguyên nhân là giá tôm nguyên liệu và xuất khẩu tăng trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường này phục hồi để phục vụ các lễ hội cuối năm.
Theo số liệu của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại thuộc Bộ Công Thương, do nguồn cung khan hiếm, giá tôm thẻ chân trắng tại Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng tăng sau gần 3 năm đứng ở mức thấp. Đầu tháng 11, tôm cỡ 40 con/kg tăng 24.000 đồng lên cao nhất 4 năm ở 144.000 đồng/kg. Giá tiếp tục tăng từ 15.000 - 45.000 đồng/kg trong thời gian gần đây.
Theo các chuyên gia, sản lượng năm nay giảm nên giá tôm nguyên liệu những tháng cuối tăng mạnh. Các vùng nuôi tôm lớn trên thế giới đều đang gặp sự cố về dịch bệnh tôm nên khả năng cung ứng từ nay đến cuối năm không đáng kể. Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại dự báo các hộ thả nuôi sớm năm 2020 sẽ có giá bán khả quan.
Tuy nhiên, xuất khẩu tôm cả năm 2019 ước giảm 4% so với năm ngoái và đạt khoảng 3,4 tỷ USD, VASEP dự báo.
Nguồn số liệu: VASEP. |
|
Trái ngược với dự đoán trước đó, xuất khẩu sang EU tăng 1,3% trong tháng 11, sau khi giảm liên tục trong 4 tháng trước. Trong đó, bán hàng sang Anh và Đức tăng lần lượt 3% và 10% nhưng sang Hà Lan giảm 20,7%.
Tôm Việt được đánh giá sẽ có ưu thế lớn tại thị trường EU khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, dự kiến vào năm 2020. Bởi thuế nhập khẩu với tôm tươi sống, đông lạnh và ướp lạnh ngay lập tức được giảm về 0% và với tôm chế biến được giảm dần về 0% trong 7 năm. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại EVFTA sẽ làm mất lợi thế hiện tại với tôm chế biến (sản phẩm thế mạnh của doanh nghiệp Việt) trong những năm đầu tiên thực thi hiệp định, bởi sản phẩm này đang được hưởng thuế ưu đãi phổ cập 7%, thấp hơn mức 10 – 20% mà các đối thủ phải chịu.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch CTCP Thực phẩm Sao Ta ( HoSE: FMC ), một thành viên của The PAN Group, khi EVFTA có hiệu lực, GSP sẽ có hiệu lực thêm 2 năm. Vì vậy, trong những năm đầu tiên thực hiện EVFTA, nếu thuế GSP thấp hơn mức thuế của FTA, doanh nghiệp có thể lựa chọn xuất theo GSP.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, để tận dụng lợi thế từ EVFTA, yêu cầu cấp thiết và dài hạn đối với doanh nghiệp Việt Nam là tạo ra nguồn cung tôm được chứng nhận với giá thành cạnh tranh. Văn phòng Thương mại Việt Nam tại Bỉ cho biết tôm chỉ được xuất khẩu vào EU nếu chúng có xuất xứ từ những quốc gia được chứng nhận xuất khẩu sang EU và được nuôi trồng ở trang trại có chứng nhận của EU.
Xuất khẩu sang Mỹ ghi nhận 2 tháng tăng liên tiếp, với kim ngạch xuất khẩu tháng 11 tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ vẫn là thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm 19,7% tổng giá trị xuất khẩu đi các thị trường.
Nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam trong những tháng cuối năm tích cực hơn vì nước này có xu hướng giảm mua từ Ấn Độ, Thái Lan và Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ trong POR 13 là 0% cũng góp phần tạo động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh bán hàng sang thị trường này.
VASEP dự báo xuất khẩu sang Mỹ tăng khoảng 5% trong quý cuối năm nay.
Xuất khẩu sang Trung Quốc, Australia, Đài Loan (Trung Quốc) đều tăng 2 con số trong tháng 11. Cụ thể, bán hàng sang Australia tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái và là thị trường có mức tăng trưởng tốt nhất trong số các thị trường tiêu thụ chính của tôm Việt trong tháng 11. Đứng thứ 2 là Trung Quốc – Hong Kong với mức tăng 17,6%. Ngoài ra, xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc) cũng tăng 10,8%.
Theo dự báo của hiệp hội, xuất khẩu sang Trung Quốc trong cuối năm 2019 và đầu năm 2020 dự kiến vẫn tăng do nhu cầu nhập khẩu tôm nguyên liệu và chế biến lên cao để phục vụ Tết Nguyên đán.